Chương trình, đề tài nghiên cứu khoa học - Năm 2011 - 2014

Tên đề tài, dự án:
Nghiên cứu ứng dụng bộ mô hình MIKE dự báo theo thời gian thực biến đổi của chế độ thủy văn và môi trường nước phục vụ phát triển bền vững KTXH vùng đầm phá (đã nghiệm thu)

- Mã số: 2011-008

- Cấp: Thành phố

- Lĩnh vực: Tài nguyên - Môi trường

- Cơ quan chủ trì: Trường Đại học Khoa học Huế

- Chủ nhiệm đề tài:

- Thành viên tham gia chính:

Mục tiêu định hướng:

+ Có được công cụ dự báo theo thời gian thực trước từ 24h đến 72h về sự thay đổi môi trường nước (pH, độ mặn, COD, BOD..) và chế độ thủy văn – thủy lực (mực nước, lưu lượng, dòng chảy,..) vùng đầm phá Tam Giang – Cầu Hai,  trong điều kiện có sự biến đổi về điều kiện tự nhiên (biến đổi khí hậu, mực nước biển dâng) và hoạt động kinh tế, công trình của con người (xây dựng các hồ chứa thượng nguồn, nuôi trồng thủy sản, xả thải công nghiệp,..).

- Sản phẩm dự kiến:

+ Bộ số liệu chuẩn về chế độ thủy văn - thủy lực và môi trường của vùng đầm phá Tam Giang – Cầu Hai;

+ Mô hình dự báo tác nghiệp trên nền bộ MIKE cho vùng đầm phá Tam Giang – Cầu Hai và tài liệu hướng dẫn sử dụng;

+ Báo cáo khoa học;

+ Ít nhất một bài báo khoa học đăng trên tạp chí chuyên ngành.

- Thời gian thực hiện: 2011-2014.

- Kết quả: Đã nghiệm thu (nghiệm thu ngày 16/12/2014).

Kết quả:

   Vùng đầm phá Tam Giang-Cầu Hai nằm ở phía Đông tỉnh Thừa Thiên Huế, bao gồm: 45 xã thuộc 5 huyện, thị xã (Phong Điền, Quảng Điền, Hương Trà, Phú Vang, Phú Lộc). Tổng diện tích tự nhiên 101.070 ha, bằng 20% diện tích tỉnh Thừa Thiên Huế. Dân số trung bình năm 2008 gần 415 nghìn người, bằng 36% dân số của tỉnh Thừa Thiên Huế.

   Vùng đầm phá Tam Giang-Cầu Hai tỉnh Thừa Thiên Huế có vai trò rất quan trọng đối với phát triển dân sinh, kinh tế xã hội của tỉnh Thừa Thiên Huế, khu vực miền Trung và cả nước. Đây là vùng đầm phá có diện tích lớn nhất khu vực Đông Nam Á, thuộc vào cỡ lớn của thế giới và có tính đa dạng sinh học cao ở cả ba cấp độ sinh thái, loài và nguồn gien. Đối với phát triển kinh tế xã hội, vùng đầm phá Tam Giang-Cầu Hai là một không gian lớn chứa đựng nhiều nguồn tài nguyên sinh học, đất đai, mặt nước và là môi trường sống của 1/3 dân số của tỉnh Thừa Thiên Huế. Do đó, nó có tầm quan trọng trong khu vực và quốc tế, giữ vai trò đặc biệt trong chiến lược phát triển kinh tế-xã hội không chỉ của tỉnh Thừa Thiên Huế và của cả khu vực miền Trung và cả nước, nhất là đối với các ngành du lịch, nông nghiệp và thuỷ sản, có ý nghĩa lớn trong việc dự trữ sinh quyển, duy trì, bảo tồn đa dạng sinh học; đồng thời là vùng xung yếu về môi trường, nhạy cảm về sinh thái, cần được đặc biệt quan tâm.

   Những năm qua, cùng với sự phát triển của nền kinh tế, chế độ dòng chảy và chất lượng nước hệ đầm phá Tam Giang-Cầu Hai chịu tác động của sự biến đổi về điều kiện tự nhiên và hoạt động kinh tế, công trình của con người. Vấn đề dự báo dòng chảy, chất lượng nước trong một hệ thống chịu tác động của nhiều yếu tố của sông-biển-con người cần có sự trợ giúp của các công cụ mô hình toán.

Người dân tham gia đợt phát động tái tạo nguồn lợi thủy sản trên đầm phá Tam Giang

 

   Trường Đại học Khoa học Huế đã chủ trì thực hiện đề tài “Nghiên cứu ứng dụng bộ mô hình MIKE dự báo theo thời gian thực biến đổi của chế độ thủy văn và môi trường nước phục vụ cho phát triển bền vững kinh tế-xã hội vùng đầm phá Tam Giang-Cầu Hai”.

   Mục tiêu của đề tài là có được công cụ dự báo theo thời gian trước về sự thay đổi môi trường nước và chế độ thủy văn-thủy lực vùng đầm phá Tam Giang-Cầu Hai, trong điều kiện có sự biến đổi về điều kiện tự nhiên do hoạt động kinh tế, công trình của con người.

   Theo đánh giá của các nhà nghiên cứu, đầm phá Tam Giang-Cầu Hai nằm trong một hệ thống thống nhất, đó là lục địa-biển nên dòng chảy, môi trường nước luôn bị tác động bởi các yếu tố có tác động bởi các yếu tố có nguồn gốc từ lục địa và từ biển. Chính vì vậy, nội dung đề tài không chỉ tập trung ở đầm phá mà còn bao trùm lên vùng hạ lưu của lưu vực sông Hương.

   Trong quá trình nghiên cứu, bằng phương pháp tiếp cận đa mục tiêu (thủy văn-sinh thái-kinh tế-xã hội-môi trường), đề tài đã xây dựng được mô hình dự báo chất lượng nước trên nền mô hình MIKE, mở ra hướng mới trong việc nghiên cứu dự báo sự thay đổi dòng chảy và chất lượng nước trên lưu vực sông Hương và đầm phá Tam Giang-Cầu Hai, đồng thời làm cơ sở cho các nhà quản lý, nhà đầu tư có tầm nhìn chiến lược lâu dài trong công tác quy hoạch đối với các lưu vực sông Hương và đầm phá Tam Giang-Cầu Hai.

   Theo TS Trần Hữu Tuyên, chủ nhiệm đề tài, trong quá trình thực hiện, với phương pháp nghiên cứu tiếp cận tổng hợp đa mục tiêu, nhóm tác giả đã đánh giá được mô hình chất lượng nước một chiều, hai chiều trên đầm phá và các sông thuộc hệ thống sông Hương. Ngoài ra, cùng với việc thiết lập được hệ thống cơ sở dữ liệu trong khu vực là nền tảng, cơ sở thực tiễn trong việc sử dụng mô hình dự báo trên nền MIKE và phục vụ cho nuôi trồng thủy sản trên khu vực nghiên cứu nói riêng và các lưu lực sông khác ở Việt Nam nói chung.

Khai thác thủy sản trên phá Tam Giang

   Trên cơ sở kế thừa số liệu của nhiều đề tài, dự án đã thực hiện trên lưu vực, đề tài đã xây dựng được chương trình dự báo dòng chảy và chất lượng nước theo thời gian thực trên bộ mô hình MIKE cho đầm phá Tam Giang-Cầu Hai phục vụ cho việc phát triển kinh tế-xã hội vùng đầm phá. Chương trình dự báo thử nghiệm do đề tài xây dựng vừa đảm bảo được tính khoa học, vừa đáp ứng nhu cầu thực tiễn, phù hợp với nguồn số liệu hiện có của các cơ quan quản lý trên địa bàn và dễ sử dụng. Ngoài chương trình dự báo, đề tài xây dựng được cơ sở dữ liệu GIS về địa hình. Số liệu mực nước, lưu lượng và số liệu chất lượng nước, tải lượng các chất ô nhiễm. Các sản phẩm dự báo từ mô hình rất phong phú bao gồm bản đồ, đồ thị và biểu bảng tích hợp được trên nền GISHue.

   Có thể nói, kết quả của đề tài là cơ sở khoa học cho các nhà quản lý, các nhà đầu tư có tầm nhìn chiến lược lâu dài, xây dựng chiến lược phát triển bền vững, quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội, nuôi trồng thủy sản, bảo vệ môi trường và hệ thống quan trắc môi trường nhằm phục vụ mục tiêu phát triển bền vững lưu vực sông và đầm phá Tam Giang-Cầu Hai.

Kinh phí đề tài:
Thời gian thực hiện:    2011 - 2014
  Bản in]