Phan Đăng Lưu
  

1. Vị trí con đường

Đường Phan Đăng Lưu nằm trên địa bàn phường Đông Ba, phía ngoài cửa Chính Đông (cửa Đông Ba), khởi đầu từ đường Mai Thúc Loan (tiếp giáp cửa Đông Ba) đến đường Trần Hưng Đạo (tiếp giáp Bắc cầu Gia Hội), dài 750m. Đường lưu thông một chiều từ phía đường Mai Thúc Loan.

2. Lịch sử con đường  

Đường này hình thành từ giữa cuối thế kỷ 19, cùng thời với việc Bộ Hộ, Bộ Công quy hoạch thiết lập khu phố ngoài Cửa Đông. Cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20 gọi là Phố Cửa Đông. Năm 1955 trở về trước là đường Gia Long (Rue Gia Long). Trước năm 1976 là đường Phan Bội Châu. Tháng 1/1977, UBND tỉnh Bình Trị Thiên ra quyết định đặt tên mới là đường Phan Đăng Lưu. Dân gian thường gọi là đường Ngã Giữa, hay đường Bà Tuần, vì khoảng đoạn giữa đường có rạp hát bội Bà Tuần.

3. Tiểu sử nhân vật lịch sử gắn liền với con đường

Phan Đăng Lưu (Nhâm Dần 1902 - Tân Tỵ 1941): liệt sĩ, nhà hoạt động cách mạng, quê làng Tràng Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An. Ông xuất thân trong một gia đình Nho học yêu nước. Thuở nhỏ ông học chữ Hán, rồi vào Trường Trung học Pháp Việt (Vinh), sau vào Huế học, rồi ra Hà Nội theo khoá Canh nông. Tốt nghiệp, ông lên Phú Thọ làm tại Sở nuôi tằm. Cuối 1925, ông chuyển đổi về Diễn Châu, Nghệ An. Thời kỳ này ông được gặp gỡ tiếp xúc với các nhà yêu nước như Trần Phú, Trần Văn Tăng và có điều kiện tiếp cận với báo chí cách mạng trong đó có tờ "Người Cùng Khổ" của Nguyễn ái Quốc. Tại đây, ông bị nghi ngờ theo hội kín nên chính quyền thực dân thuyên chuyển vào Bình Định rồi đưa lên Đà Lạt. Năm 1927, ông bị cách tuột hết chức phận vì đã bí mật hoạt động chống Pháp. Năm 1928, ông tham gia thành lập Đảng Tân Việt cách mạng. Cuối năm ấy ông được cử sang Quảng Đông gặp Tổng bộ Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên. Năm 1929, ông về nước liền tham gia vào tổ chức Đảng Cộng sản, cuối năm thì bị Pháp bắt tại Hải Phòng, kết án 7 năm tù, đày đi Buôn Ma Thuột. Năm 1936 mới được ra tù, ông trở về Nghệ An lại tiếp tục hoạt động bí mật, được bầu vào Xứ ủy Trung Kỳ, ủy viên BCH Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương. Thời kỳ 1937, 1938 ông hoạt động sôi nổi tại Huế, từng phụ trách Báo Dân. Năm 1940 ông được phân công phụ trách Xứ ủy Nam Kỳ và lập kế hoạch chuẩn bị khởi nghĩa Nam Kỳ. Ông được Xứ ủy cử ra Bắc xin chỉ thị của Trung ương Đảng. Khi trở về Sài Gòn, ông bị mật thám Pháp theo dõi và bị bắt ngày 22/11/1940. Chúng giam ông tại nhà lao Sài Gòn, sau khi Nam Kỳ khởi nghĩa thất bại, ông bị Pháp đưa đi xử bắn tại Hóc Môn (Gia Định) cùng với những người cộng sản khác như Nguyễn Văn Cừ, Nguyễn Thị Minh Khai, Võ Văn Tần, hưởng dương 39 tuổi. Trường Tiểu học Pháp-Việt Đông Ba, ngôi trường thuở thiếu thời Nguyễn Sinh Cung theo học ở đây (nay có bia lưu dấu tích), Hiệu sách Thuận Hoá - nơi đặt cơ quan bí mật Xứ ủy Trung Kỳ thời 1938 - 1939 nằm trên đường này.

 Bản in]
Các bài khác
    Trang đầu Trang trước 1 2 3 4 5 Trang kế Trang cuối