Xuân 68
  

1. Vị trí con đường

Đường Xuân Sáu Tám nằm trên địa bàn hai phường Đông Ba và Thuận Lộc, thuộc khu vực Thành nội, khởi đầu từ đường Ông ích Khiêm (tiếp giáp ngã tư giao nhau các đường Ngô Đức Kế, Tống Duy Tân), men theo chân thành phía Đông qua ngã ba các đường Đinh Công Tráng, Hàn Thuyên, Nguyễn Chí Diễu, Đặng Dung, ngang qua cửa Đông Ba (đường Mai Thúc Loan), qua ngã ba các đường Nhật Lệ, Tịnh Tâm, đến cống Lương Y (cầu Đông Thành Thủy Quan) dài 1822m. Đường lưu thông hai chiều, cấm xe ô tô hạng nặng.

2. Lịch sử con đường

Đường này hình thành vào đầu thế kỷ 19, cùng thời với việc xây dựng Kinh thành Huế. Từ năm 1955 trở về trước là đường Nhà thương Thành nội (Rue de l’hopital), dân gian thường gọi là đường Nhà thương Nhỏ (để phân biệt với nhà thương lớn, Bệnh viện Huế). Sau năm 1956 đặt lại là đường Nguyễn Thành và một đoạn là của đường Ông ích Khiêm nối dài. Tháng 1/1977, UBND tỉnh Bình Trị Thiên ra quyết định điều chỉnh, đặt tên mới là đường Sáu Tám; tháng 6/1996 đổi lại là đường Xuân Sáu Tám như bây giờ.

3. Địa danh lịch sử gắn liền với con đường

Xuân Sáu Tám Xuân Sáu Tám là tên một chiến dịch trong cuộc Tổng tấn công nổi dậy của quân và dân ta khắp toàn miền Nam, xảy ra vào Tết Mậu Thân, tức mùa Xuân Sáu Tám (1968). Cuộc Tổng tấn công nổi dậy Xuân Sáu Tám quân và dân ta đã đánh chiếm được hầu hết các điểm trọng yếu, các cơ quan đầu não của ngụy quyền Sài Gòn, đánh thẳng vào sở chỉ huy, Sứ quán Mỹ ở miền Nam, làm lung lay bộ máy chiến tranh tận toà Bạch ốc, nước Mỹ. Từ cuộc Tổng tấn công nổi dậy này, chúng ta buộc Mỹ phải xuống thang chiến tranh chịu ngồi vào bàn đàm phán tại Hội nghị Paris về Việt Nam. Trong chiến dịch Xuân Sáu Tám, cùng phối hợp với các chiến trường miền Nam, quân và dân Huế đã chiếm lĩnh thành phố cố đô và làm chủ tình hình từ 31/1/1968 đến 24/2/1968. Từ chiến dịch lịch sử này, Đảng Cộng sản Việt Nam đã đề ra một sách lược mới trong cách hiểu Mỹ và đánh Mỹ ở khắp mọi chiến trường, đi đến thắng lợi mùa xuân 1975, thống nhất Tổ quốc. Để kỷ niệm một cuộc Tổng tấn công nổi dậy có tính lịch sử anh hùng của quân và dân ta trong kháng chiến chống Mỹ, chính quyền địa phương đã lấy tên mùa xuân lịch sử ấy đặt tên cho một đường phố ở Huế - Đường Xuân Sáu Tám. Công ty trách nhiệm hữu hạn Lê Quang, Nhà thương Thành Nội (cũ), Niệm Phật đường Vĩnh Nhơn, Vườn Ngự Hà (vườn được tạo dựng lại theo kiến trúc nhà rường cổ) nằm trên đường này.

 Bản in]