Phan Văn Trị
  

1. Vị trí con đường

Đường Phan Văn Trị nằm trên địa bàn phường Tây Lộc, thuộc khu vực Thành Nội, khởi đầu từ đường Thánh Gióng đến đường Phan Văn Trị, dài 152m. Đường lưu thông hai chiều.

2. Lịch sử con đường

Nguyên là xứ ruộng thấp trũng, sau năm 1960 san lấp xây dựng khu dân cư mới, nhân đấy mà mở đường này. Trước năm 1976 là đường Lương Văn Quang. Tháng 1/1977, UBND tỉnh Bình Trị Thiên ra quyết định đặt tên mới là đường Phan Văn Trị.

3. Tiểu sử nhân vật lịch sử gắn liền với con đường

Phan Văn Trị (Canh Dần 1830 - Canh Thân 1910): nhà thơ yêu nước, quê ở làng Hương Thạnh, huyện Bảo An, nay thuộc huyện Giồng Trôm tỉnh Bến Tre, sau về cư ngụ tại làng Nhơn ái, huyện Phong Điền, tỉnh Cần Thơ. Năm 19 tuổi ông đỗ Cử nhân, cùng khoa với Nguyễn Thông nhưng không ra làm quan, ông về ẩn cư tại làng Bình Cách, Tân An. Khi Pháp chiếm Gia Định, ông cùng sĩ phu yêu nước đề xướng phong trào chống Pháp gọi là phong trào "tị địa", rồi lui về vùng đồng bằng sông Cửu Long tích cực cổ động nhân dân tham gia kháng chiến. Thời gian này ông thường lui tới hợp tác với cụ Đồ Chiểu, Nguyễn Thông, Hồ Huấn Nghiệp và các nhà yêu nước khác. Khi Pháp chiếm miền Tây, ông lui về huyện Phong Điền, Cần Thơ, ở ẩn dạy học, quan hệ mật thiết với Bùi Hữu Nghĩa, Huỳnh Mẫn Đạt và cảm hoá được nhiều người theo giặc trở về với nhân dân, giữ tiết tháo trong thời mất nước. Ông mất năm 1910, thọ 80 tuổi. Ông để lại nhiều bài thơ khích động lòng yêu nước, lời lẽ đầy tính chiến đấu, giữ vững khí tiết. Nổi bật là bài phú Thất thủ Gia Định, bài thơ Thất thủ Vĩnh Long và nhất là những bài thơ họa lại với Tôn Thọ Tường nhằm lên án những kẻ cam tâm làm tay sai cho giặc.

 Bản in]