1. Vị trí con đường
Đường Nguyễn Xuân Ôn nằm trên địa bàn phường Thuận Lộc, thuộc khu vực Tây Linh, Thành Nội, khởi đầu từ đường Lê Trung Đình, qua ngã tư đường Thái Phiên, Trần Xuân Soạn đến đường Tôn Thất Thuyết, dài 235m. Đường lưu thông hai chiều.
2. Lịch sử con đường
Nguyên là xứ ruộng thấp, năm 1960 san lấp để xây dựng khu dân cư mới, nhân đấy mà mở đường này. Từ năm 1976 trở về trước là đường Lê Khánh Vân. Tháng 1/1977, UBND tỉnh Bình Trị Thiên ra quyết định đặt tên mới là đường Nguyễn Xuân Ôn.
3. Tiểu sử nhân vật lịch sử gắn liền với con đường
Nguyễn Xuân Ôn (ất Dậu 1825 - Kỷ Sửu 1889): nhà yêu nước, lấy hiệu Ngọc Đường, Lương Giang, biệt hiệu Hiến Đình; quê ở làng Quần Phương, xã Lương Điền, huyện Đông Thành (nay thuộc Diễn Châu, Nghệ An). Xuất thân trong một gia đình nghèo, sớm mồ côi mẹ, nhưng ông không tủi phận mà cố gắng học hành. Năm 1864, đỗ Tú tài, năm 1867, đỗ Cử nhân, đến năm 1871 lúc ông 46 tuổi, thi đỗ Tiến sĩ. Được bổ Tri phủ Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình, rồi bổ làm Đốc học Bình Định, sau về triều giữ chức Ngự sử, một giai đoạn làm Biện lý Bộ Hình. Ông là người khảng khái cương trực, thường chỉ trích đám quan lại tham nhũng. Trước tình hình đất nước lâm nguy, ông kiên quyết kiến nghị triều đình nhanh chóng tính kế chống giặc Pháp xâm lược. Năm 1883 đến 1885, ông được cử làm Hiệp đốc quân vụ Nghệ An, Hà Tĩnh, chuẩn bị chiến khu tổ chức khởi nghĩa chống Pháp. Sau khi Kinh đô Huế thất thủ, năm1885, tại Nghệ -Tĩnh cuộc khởi nghĩa do ông lãnh đạo đã đánh thắng nhiều trận lớn, gây thanh thế vang dội cả vùng. Tháng 7/1887, ông bị bệnh đang điều trị tại căn cứ thì bị địch bao vây, bắt được và giải ông về nhà lao Vinh. Những tháng ngày trong lao tù ông vẫn giữ vững khí tiết của một nghĩa binh Xứ Nghệ, một kẻ sĩ yêu nước thương nòi dám hy sinh cuộc đời để cứu lấy non sông; sau chúng thả ông ra nhưng lại an trí tại Huế; ông mất năm 1889, thọ 64 tuổi. Ông là một nhà khoa bảng, nhà yêu nước đồng thời là một nhà thơ nhà văn; ông để lại các tác phẩm chính: Ngọc Đường thi tập, Ngọc Đường văn tập, và nhiều bài thơ gây cảm xúc, căm phẫn trước bè lũ tay sai cúi đầu theo giặc Pháp.