QUYẾT ĐỊNH
Về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển công nghiệp
tỉnh Thừa Thiên Huế đến 2015 và định hướng đến năm 2020
___________________________________
UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng Nhân dân và Uỷ ban Nhân dân tỉnh ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Quyết định số 148/QĐ-TTg ngày 13 tháng 8 năm 2004 của Thủ tướng Chính phủ về phương hướng nhiệm vụ chủ yếu phát triển vùng kinh tế trọng điểm miền Trung đến 2010 và tầm nhìn đến năm 2020;
Căn cứ Nghị định 92/2006/NĐ-CP ngày 07 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội; Nghị định 04/2008/NĐ-CP ngày 11 tháng 01 năm 2008 của Chính phủ về sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2006/NĐ-CP;
Căn cứ Quyết định số 40/2005/QĐ-BCN ngày 23 tháng 12 năm 2005 của Bộ Công nghiệp về việc ban hành quy định tạm thời về quy hoạch phát triển công nghiệp;
Căn cứ Quyết định số 29/2007/QĐ-BCN ngày 11 tháng 7 năm 2007 của Bộ Công nghiệp về việc Phê duyệt Quy hoạch phát triển công nghiệp Vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung đến năm 2015, có xét đến năm 2020;
Căn cứ Nghị quyết 3g/2006/NQBT-HĐND ngày 10 tháng 4 năm 2006 của Hội đồng Nhân dân tỉnh về phát triển kinh tế - xã hội trong thời kỳ 2006 - 2010;
Căn cứ Quyết định số 1261/QĐ-UBND ngày 17 tháng 5 năm 2006 của UBND tỉnh về phê duyệt đề cương Quy hoạch phát triển công nghiệp Thừa Thiên Huế đến 2015 tầm nhìn đến năm 2020;
Căn cứ Quyết định số 2093/QĐ-UBND ngày 15 tháng 9 năm 2007 của Ủy ban Nhân dân tỉnh về việc ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 06/NQ/TU ngày 15 tháng 6 năm 2007 của Tỉnh ủy về phát triển kinh tế biển và đầm phá tỉnh Thừa Thiên Huế đến 2010 tầm nhìn 2020;
Căn cứ Nghị quyết số 6a/2008/NQCĐ/HĐND ngày 04 tháng 4 năm 2008 của Hội đồng Nhân dân tỉnh về việc thông qua quy hoạch phát triển công nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020;
Theo đề nghị của Sở Công Thương tại Tờ trình số 183/SCT-KTCN ngày 21/5/2008,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch phát triển công nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế đến 2015 và định hướng đến năm 2020, với những nội dung chủ yếu sau:
I. Quan điểm phát triển
Trên cơ sở cơ cấu kinh tế dịch vụ - công nghiệp - nông nghiệp, lấy ngành công nghiệp làm động lực chính nhằm phát triển kinh tế theo hướng công nghiệp hóa - hiện đại hóa. Phát triển công nghiệp với tốc độ cao, đẩy mạnh phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp công nghệ thông tin, chế biến sâu, giá trị gia tăng lớn. Phát triển công nghiệp đa dạng về cơ cấu phù hợp với thế mạnh kinh tế của tỉnh.
Phát triển tiểu thủ công nghiệp phải gắn với phát triển kinh tế - xã hội của từng địa bàn, trên cơ sở thúc đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.
Phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp với quan điểm xuyên suốt: bền vững, thân thiện với môi trường; bảo tồn tinh hoa và phát huy giá trị bản sắc văn hóa của quê hương, dân tộc, gắn với đảm bảo an ninh và quốc phòng.
II. Mục tiêu
- Mục tiêu tổng quát: Phấn đấu đưa tỉnh Thừa Thiên Huế cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp trước 2 năm so với cả nước và là một trong những trung tâm kinh tế của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung.
- Mục tiêu cụ thể:
Về Công nghiệp: Tốc độ tăng trưởng công nghiệp giai đoạn từ 2008-2020 tăng bình quân từ 18%-19%.Trong đó:
+ Giai đoạn 2008 - 2010: tăng bình quân trên 20%/năm.
+ Giai đoạn 2011- 2020: tăng bình quân từ 17% -18%/năm.
Tiểu thủ công nghiệp (TTCN): Giá trị sản xuất TTCN trong từng giai đoạn chiếm từ 50 - 60% trong tổng giá trị sản xuất công nghiệp dân doanh trên địa bàn; giá trị kim ngạch xuất khẩu trên địa bàn chiếm khoảng 15 - 20% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành công nghiệp; thu hút từ 3.000 - 4.000 lao động mới hàng năm.
III. Định hướng phát triển công nghiệp-TTCN đến năm 2015, tầm nhìn đến năm 2020
1. Quy hoạch các ngành công nghiệp chủ yếu: (Đính kèm phụ lục 1)
1.1. Khai thác và chế biến khoáng sản;
1.2. Sản xuất vật liệu xây dựng;
1.3. Sản xuất và phân phối điện;
1.4. Chế biến nông, thuỷ sản, thực phẩm và đồ uống;
1.5. Chế biến gỗ;
1.6. Chế tạo máy và sản xuất kim loại;
1.7. Dệt may và giày;
1.8. Hóa chất và dược phẩm;
1.9. Công nghiệp công nghệ thông tin và công nghệ cao;
1.10. Sản xuất và phân phối nước;
2. Các ngành công nghiệp ưu tiên phát triển: Công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng; khai thác và chế biến khoáng sản; Công nghiệp chế biến nông, lâm, thuỷ sản, thực phẩm đồ uống; Công nghiệp dệt may, giày; Công nghiệp sản xuất và phân phối điện; Công nghiệp cơ khí chế tạo, sản xuất kim loại; Công nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin.
3. Phát triển TTCN- Làng nghề
Tiếp tục tạo điều kiện để tăng năng lực sản xuất và đầu tư hạ tầng ở các làng nghề để góp phần giúp làng nghề phát triển mạnh hơn trong thời gian tới gồm: Đúc đồng ở Phường Đúc và xã Thủy Xuân (thành phố Huế); mộc Mỹ Xuyên (huyện Phong Điền), mộc Xước Dủ (Hương Trà); tre đan Bao La và Thủy Lập (huyện Quảng Điền); tre đan Hà Thanh (huyện Phú Vang)...
Tiếp tục đầu tư hạ tầng, chỉnh trang làng nghề, hình thành vùng sản xuất tập trung theo hướng đảm bảo môi trường sinh thái và thuận lợi trong việc thông thương, gồm: Làng gạch ngói Thủy Tú (huyện Hương Trà); bún thực phẩm Vân Cù-Hương Toàn (huyện Hương Trà); Làng sản xuất bún Thanh Cần-Quảng Vinh (huyện Quảng Điền); tre đan Lai Thành (huyện Hương Trà); dệt lưới Vân Trình (huyện Phong Điền); chế biến thủy, hải sản (các huyện Quảng Điền, Hương Trà, Phú Lộc và Phú Vang); chế biến tinh bột lọc Xuân Lai, Lộc An (huyện Phú Lộc); bánh đa Lựu Bảo (huyện Hương Trà).
Tạo điều kiện để các cơ sở làng nghề mở rộng thị trường, cải tiến, thay đổi sản phẩm nhằm tạo điều kiện giúp làng nghề phát triển hoặc chuyển đổi sản phẩm, bao gồm: Hoa giấy Thanh Tiên và tranh giấy làng Sình (huyện Phú Vang); Dệt Zèng ở Aroàng và Ađớt (huyện A Lưới); thêu trướng liễn và gốm nung Phú Dương (huyện Phú Vang); điêu khắc, chạm khảm Địa Linh (huyện Hương Trà); Đệm Bàng Phò Trạch (huyện Phong Điền).
Định hướng xây dựng và phát triển một làng nghề TTCN tại Khu du lịch Lăng Cô phục vụ du lịch và dịch vụ.
Khuyến khích các thành phần kinh tế hoặc từ địa phương khác đến để đầu tư mới hoặc khôi phục một số ngành nghề có khả năng bị mai một nhưng nhu cầu xã hội cần hoặc một số nghề truyền thống của Huế có quy mô nhỏ.
4. Quy hoạch phân bố khu, cụm công nghiệp-TTCN (Đính kèm phụ lục 2)
Đến năm 2020, trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ hình thành 08 khu công nghiệp, khu công nghệ cao với tổng diện tích khoảng 8.000 ha, cụ thể:
a) Tiếp tục xây dựng hoàn chỉnh 04 Khu công nghiệp đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, gồm: Khu công nghiệp Chân Mây thuộc Khu kinh tế Chân Mây-Lăng Cô (huyện Phú lộc); Khu công nghiệp Phú Bài (huyện Hương Thủy); Khu công nghiệp Tứ Hạ (huyện Hương Trà); Khu công nghiệp Phong Điền (huyện Phong Điền);
b) Dành quỹ đất làm cơ sở phát triển công nghiệp trong các giai đoạn trên cơ sở nâng cấp, mở rộng các cụm CN-TTCN như:
Khu công nghiệp Phú Đa (huyện Phú Vang); Khu công nghiệp La Sơn (huyện Phú Lộc); Khu công nghiệp Quảng Vinh (huyện Quảng Điền); hình thành 01 khu công nghệ cao tổng hợp với quy mô diện tích trên 100 ha tại địa điểm thích hợp.
Phát triển 16 cụm CN-TTCN giai đoạn 2006-2015 trên địa bàn các địa phương với tổng diện tích khoảng 560ha.
IV. Các nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu
1. Tạo môi trường thu hút đầu tư
a) Quy hoạch các khu, cụm công nghiệp tập trung trên địa bàn gắn liền với quy hoạch đô thị. Đặc biệt chú trọng dành đất để xây dựng nhà ở và các công trình văn hoá xã hội cho đội ngũ lao động, nhân viên làm việc trong các khu, cụm công nghiệp.
b) Đẩy nhanh tiến độ xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật, tổ chức hệ thống dịch vụ phù hợp để thu hút các nhà đầu tư.
c) Xây dựng chương trình đầu tư cụ thể các tuyến đường giao thông từ nay đến năm 2015, đảm bảo giao thông thông suốt giữa các vùng trong tỉnh, gắn với việc khai thác tuyến hành lang kinh tế Đông-Tây, đường sắt nối cảng Chân Mây...
d) Chọn lọc ưu tiên đầu tư các dự án hạ tầng quan trọng của các khu công nghiệp; chú trọng tập trung xây dựng hạ tầng Khu Kinh tế Chân Mây-Lăng Cô, đặc biệt là hạ tầng khu công nghiệp Chân Mây và các khu, cụm công nghiệp đã được phê duyệt.
đ) Đẩy mạnh xúc tiến đầu tư, tuyên truyền quảng bá, kêu gọi liên kết hợp tác trong và ngoài nước; ưu tiên hàng đầu việc tìm kiếm các nhà đầu tư chiến lược để làm hạt nhân thu hút đầu tư phát triển công nghiệp.
e) Kiện toàn tổ chức trên cơ sở phân công phân cấp để đáp ứng nhu cầu quản lý nhà nước về công nghiệp ở tỉnh, huyện ngày càng đổi mới và phù hợp với nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, nhất là trong công tác quản lý đầu tư, thị trường, quản lý các khu, cụm công nghiệp. Trong đó chú trọng việc biên chế và nâng cao trình độ cán bộ chuyên trách quản lý công nghiệp trên địa bàn huyện, thị.
g)Thúc đẩy cải cách thủ tục hành chính trong cấp phép đầu tư; chú trọng làm tốt công tác chuẩn bị đầu tư tạo thuận lợi cho nhà đầu tư tiếp cận và triển khai các dự án ưu tiên đầu tư.
h) Xây dựng và hòan thiện theo hướng đơn giản hóa trình tự, thủ tục đầu tư đối với các ngành nghề có điều kiện và theo quy định riêng như điện; khai thác, chế biến khoáng sản...
i) Nhanh chóng xây dựng và hoàn thiện đồng bộ các quy hoạch phát triển từng ngành kinh tế để thống nhất các chủ trương, định hướng phát triển.
2. Về nguồn nhân lực
a) Khẩn trương xây dựng chiến lược, kế hoạch phát triển nguồn nhân lực cho giai đoạn đến năm 2015, tầm nhìn đến năm 2020 nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển của ngành công nghiệp về số lượng, chất lượng để cung ứng đồng bộ và kịp thời theo quy hoạch.
b) Hỗ trợ kinh phí từ ngân sách để đào tạo cán bộ quản lý, công nhân kỹ thuật, đặc biệt chú trọng chiến lược đào tạo thợ bậc cao và kỹ sư thực hành nhằm cung cấp cho một số ngành công nghiệp chủ lực và lĩnh vực cần trình độ kỹ thuật cao. Trước mắt, thực hiện đào tạo và đào tạo lại nguồn nhân lực hiện có trên địa bàn.
c) Đẩy mạnh lực lượng lao động xuất khẩu theo hướng tu nghiệp.
d) Xây dựng, nâng cấp và phát triển các trung tâm hướng nghiệp, dạy nghề tại các huyện, thành phố trên cở sở hỗ trợ của nhà nước đồng thời đẩy mạnh việc xã hội hóa lĩnh vực này. Tăng cường liên kết đào tạo nghề với các cơ sở đào tạo khác trên địa bàn cả nước, kể cả nước ngoài.
3. Về vốn đầu tư
a) Đẩy mạnh thu hút nguồn vốn đầu tư từ bên ngoài, trong đó vốn FDI là động lực chính. Tăng cường huy động các nguồn vốn trong nước là cơ bản, thông qua các hình thức thu hút đầu tư trực tiếp, hợp tác, liên kết, liên doanh của các Tập đoàn, các công ty lớn, các ngành và các thành phố lớn trong cả nước...
b) Sử dụng các công cụ huy động vốn mới trên thị trường như: thị trường chứng khoán và thị trường tiền tệ - phát hành trái phiếu với sự đảm bảo bằng ngân sách của tỉnh, của Chính phủ; áp dụng việc đầu tư trực tiếp từ các tổ chức ngân hàng, bảo hiểm... vào công nghiệp như một thành viên góp vốn.
c) Sử dụng vốn đầu tư có hiệu quả thông qua việc tập trung đầu tư có trọng điểm những dự án lớn để nhanh chóng đưa vào hoạt động.
d) Hằng năm dành riêng một khoản tỷ lệ chi ngân sách nhất định trên tổng số chi ngân sách của tỉnh và một phần kinh phí từ nguồn thu tiền sử dụng đất của các huyện và thành phố Huế để đầu tư xây dựng hạ tầng và giải phóng mặt bằng, xây dựng các cụm công nghiệp (ngoài nguồn đầu tư của các doanhnghiệp)
4. Phát triển vùng nguyên liệu và thị trường
a) Tăng cường đầu tư phát triển vùng nguyên liệu đã quy hoạch trong tỉnh; gắn kết quyền lợi giữa nhà sản xuất và nhà cung cấp nguyên liệu; xây dựng mô hình liên kết giữa các cơ sở sản xuất với các cơ sở cung cấp, thu mua nguyên liệu; nâng cao trách nhiệm pháp lý trong hợp đồng thu mua và cung cấp nguyên liệu.
b) Tìm kiếm, mở rộng thị trường nguyên liệu từ các vùng lân cận, đặc biệt là các địa phương của CHDCND Lào. Khuyến khích nhà sản xuất trực tiếp đầu tư phát triển vùng nguyên liệu.
c) Ứng dụng công nghệ sinh học trong nghiên cứu và phát triển vùng nguyên liệu. Tăng cường phát triển hệ thống dịch vụ giống cây con có chất lượng cao.
d) Xây dựng cơ chế bình ổn giá nguyên liệu cho công nghiệp chế biến.
đ) Lựa chọn và xây dựng chương trình phát triển một số sản phẩm công nghiệp có chất lượng của tỉnh đề nghị Bộ Công Thương đưa vào chương trình sản phẩm xuất khẩu trọng điểm quốc gia. Củng cố mối quan hệ theo ngành dọc với các Bộ, ngành để tận dụng các khả năng tiếp nhận các thông tin mới nhất về thị trường, những xu thế mới trong phát triển thị trường hàng công nghiệp.
e) Hỗ trợ việc tham gia và tổ chức các hội chợ triển lãm để các doanh nghiệp có điều kiện tiếp thị sản phẩm, trao đổi kinh nghiệm, thu nhận thông tin nắm bắt thị trường. Tổ chức định kỳ hội nghị “4 nhà”: nhà nông, nhà doanh nghiệp, nhà khoa học, nhà nước. Hỗ trợ các hội nghị khách hàng giữa các doanh nghiệp, các nhà phân phối và người tiêu dùng.
g)Tăng cường năng lực dự báo thị trường cho các cơ quan quản lý và doanh nghiệp nhằm hoạch định chiến lược sản phẩm đúng hướng.
5. Về khoa học và công nghệ
a) Khuyến khích phát triển các tổ chức tư vấn công nghệ, hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc tìm kiếm thị trường cung cấp công nghệ, chọn lựa công nghệ phù hợp, hỗ trợ đàm phán các hợp đồng chuyển giao công nghệ.
b) Phát huy vai trò quản lý nhà nước về khoa học-công nghệ; hỗ trợ cung cấp thông tin công nghệ cho doanh nghiệp trước khi quyết định đầu tư; làm cầu nối giữa doanh nghiệp với các trường đại học, viện, trung tâm nghiên cứu trên địa bàn cả nước để triển khai ứng dụng khoa học kỹ thuật và đáp ứng nhu cầu đổi mới công nghệ của doanh nghiệp.
c) Hỗ trợ vốn chuyển giao công nghệ cho cơ sở sản xuất quy mô nhỏ, chi phí đăng ký nhãn mác hàng hóa, xây dựng thương hiệu...
6. Về bảo vệ môi trường
a) Tăng cường kiểm tra, có biện pháp hướng dẫn và xử lý chất thải, khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường trong quá trình sản xuất ở các doanh nghiệp. Di dời hoặc đình chỉ sản xuất đối với các cơ sở gây ô nhiễm môi trường ở cấp độ nặng.
b) Xây dựng hệ thống quan trắc môi trường phù hợp trên quy mô tỉnh. Nghiên cứu đầu tư xây dựng 01 điểm quan trắc môi trường tại vùng Chân Mây-Lăng Cô và các vùng nhạy cảm như Huế, Hương Thủy, Hương Trà.
c) Đầu tư và hỗ trợ kinh phí để xây dựng các công trình xử lý môi trường. Không cấp phép đầu tư đối với các dự án có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao. Tăng cường giáo dục, đào tạo và nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường trong các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất và người lao động trong việc phòng ngừa và bảo vệ môi trường.
d) Tăng cường năng lực và trách nhiệm quản lý môi trường cho các Ban quản lý các khu, cụm công nghiệp, các địa phương.
V. Tổ chức thực hiện
1. Phân công thực hiện
1.1. Giao cho các sở, ban ngành, các đơn vị và các địa phương theo chức năng, nhiệm vụ và trên cơ sở các quy hoạch có liên quan chủ động xây dựng chương trình, đề án, dự án, kế hoạch hàng năm trình UBND tỉnh phê duyệt để thực hiện nhằm triển khai hòan thành các chỉ tiêu kinh tế xã hội từng giai đoạn.
1.2. Giao cho Giám đốc Sở Công Thương chủ trì phối hợp với các sở, ban, ngành, địa phương, đơn vị có liên quan tổ chức công bố quy hoạch; xây dựng Kế hoạch tổ chức thực hiện Quy hoạch và các chương trình, đề án, dự án trọng điểm hằng năm theo từng giai đoạn trình UBND tỉnh phê duyệt.
2. Thời gian thực hiện đến năm 2020.
3. Nguồn vốn đầu tư
Nhu cầu vốn đầu tư phát triển công nghiệp theo giai đoạn:
(Chi tiết xem file đính kèm)
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.
Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc các Sở: Công thương, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Tài nguyên và môi trường, Xây dựng, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giao thông Vận tải, Khoa học và công nghệ, Văn hoá Thể thao và Du lịch, Lao động Thương binh và Xã hội; Chủ tịch UBND các huyện và thành phố Huế; Trưởng Ban: Quản lý các Khu Công nghiệp tỉnh, Khu kinh tế Chân Mây-Lăng Cô; Giám đốc Điện lực Thừa Thiên Huế; Giám đốc Công ty TNHH Nhà nước một thành viên Xây dựng và cấp nước Thừa Thiên Huế; Thủ trưởng các đơn vị liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.