Quyết định 564/2007/QĐ-UBND ngày 14 tháng 02 năm 2007 của UBND tỉnh về việc phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội Thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế thời kỳ 2006-2020
  

ỦY BAN NHÂN DÂN

TỈNH THỪA THIÊN HUẾ

________________

 

Số: 564/2007/QĐ-UBND

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT Nam

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

______________________________

 

                  Huế, ngày 14 tháng 02 năm 2007

 

QUYẾT ĐỊNH

V/v phê duyệt "Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội

Thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế thời kỳ 2006-2020"

_________________________________

 

 

UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH THỪA THIÊN HUẾ

 

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;

Căn cứ Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07/8/2006 về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội;

Căn cứ Quyết định số 148/2004/QĐ-TTg ngày 13/8/2004 của Thủ tướng Chính phủ về phương hướng chủ yếu phát triển kinh tế-xã hội vùng kinh tế trọng điểm miền Trung đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020;

Căn cứ Quyết định số 4307/QĐ-UBND ngày 21/12/2005 của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế về việc phê duyệt đề cương và dự toán dự án “Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội thành phố Huế giai đoạn 2006-2020”;

Căn cứ Nghị quyết sô 03/2007/NQBT-HĐND ngày 18/01/2007 của HĐND thành phố Huế về việc thông qua Báo cáo Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội thành phố Huế giai đoạn 2006-2020;

Xét báo cáo tổng hợp “Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội thành phố Huế giai đoạn 2006-2020” do Ủy ban nhân dân thành phố Huế phối hợp với Viện Chiến lược Phát triển - Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các sở, ban, ngành chức năng tỉnh Thừa Thiên Huế thực hiện tháng 12/2006;

Theo đề nghị của UBND thành phố Huế tại tờ trình số 135/TT-UBND ngày 22/1/2007 và đề nghị của Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tại công văn số: 168/SKHĐT-TH ngày 12/02/2007,

 

QUYẾT ĐỊNH:

 

Điều I. Phê duyệt Qui hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội thành phố Huế giai đoạn 2006-2020 với các nội dung sau:

I. CÁC QUAN ĐIỂM VÀ TƯ TƯỞNG CHỈ ĐẠO PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI THÀNH PHỐ HUẾ GIAI ĐOẠN 2006-2020

(1). Là một trong 5 đô thị trung tâm cấp quốc gia, một trong những trung tâm phát triển động lực của vùng miền Trung và của tỉnh Thừa Thiên Huế.

(2). Thành phố Festival cấp quốc gia và có ý nghĩa quốc tế.

(3). Thành phố du lịch, trung tâm du lịch cấp quốc gia

(4). Trung tâm đào tạo đa ngành, đa cấp chất lượng cao và nghiên cứu khoa học.

(5). Trung tâm y tế chuyên sâu của khu vực Miền Trung

(6). Trung tâm giao lưu và mở rộng hợp tác quốc tế về kinh tế, văn hoá, du lịch, dịch vụ, đào tạo và nghiên cứu khoa học...

(7). Trung tâm hành chính, văn hoá, khoa học-công nghệ, đào tạo, y tế… của tỉnh Thừa Thiên Huế.

II. MỤC TIÊU PHÁT TRIỂN CHỦ YẾU

(1) Mục tiêu về kinh tế

- Phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) cao hơn tốc độ tăng trưởng của tỉnh Thừa Thiên Huế 1,1-1,2 lần, đạt bình quân 16-18%/năm trong giai đoạn 2006-2010, trên 14,0%/năm trong giai đoạn 2011-2015 và trên 12% giai đoạn 2016-2020. Năm 2020, GDP bình quân đầu người đạt trên 5.000 USD/người (theo giá thực tế).

- Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng dịch vụ-công nghiệp-nông nghiệp. Năm 2010, tỷ trọng của khu vực dịch vụ đạt 59-60% trong tổng sản phẩm; khu vực công nghiệp - xây dựng đạt 38-39%, và nông nghiệp đạt 1,0-1,5%. Năm 2020 tỷ trọng các ngành tương ứng là 67-70%, 30-32%, và dưới 1%.

- Phấn đấu thu hút số lượng khách du lịch đến thành phố năm 2010 khoảng 2,0-2,5 triệu lượt khách (trong đó có trên 1,0-1,5 triệu lượt khách quốc tế); số lượng khách du lịch tăng 10 - 12%/năm thời kỳ 2011-2020; kim ngạch xuất khẩu năm 2010 đạt 45-50 triệu USD; năm 2020, trên 200 triệu USD (kể cả xuất khẩu tại chỗ). Đảm bảo tốc độ tăng xuất khẩu bình quân hàng năm từ 18-20% trong cả thời kỳ 2006-2020.

- Phấn đấu mức thu ngân sách trên địa bàn tăng bình quân hàng năm 16-18%/năm trong thời kỳ 2006-2010, năm 2010 đạt 1.500-1.800 tỷ đồng và tiếp tục tăng 12-15%/năm thời kỳ 2011-2020, đến năm 2020 đạt 6.000-7.000 tỷ đồng.

- Tổng mức đầu tư xã hội thời kỳ 2006-2010 trên 9.000 tỷ đồng, thời kỳ 2011-2015 là trên 16.000 và thời kỳ 2016-2020 là trên 29.000 tỷ đồng (giá thực tế năm 2005).

(2) Mục tiêu về xã hội

- Tốc độ tăng tự nhiên dân số là 1,15-1,2%/năm, điều tiết để duy trì tốc độ tăng cơ học ở mức hợp lý là 0,5-0,7%/năm (tương đương với mức trung bình hàng năm của thời kỳ 2001-2005).

- Hàng năm giải quyết việc làm cho ít nhất 8.000-10.000 lao động trong giai đoạn 2006-2010 và trung bình khoảng 5.000-6.000 lao động/năm trong 10 năm tiếp theo. Đảm bảo trên 95% lực lượng lao động trong độ tuổi có việc làm vào năm 2010 và trên 97% năm 2020. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 60-70% năm 2010 và tăng lên trên 90% năm 2020.

- Là trung tâm đào tạo nguồn nhân lực đa ngành, đa cấp chất lượng cao, đặc biệt là trong các lĩnh vực khoa học cơ bản, công nghệ thông tin, y học và văn hoá nghệ thuật. Có 100% phường/xã đạt tiêu chí về tỷ lệ đối tượng trong độ tuổi phổ cập giáo dục trung học phổ thông vào năm 2008. Năm 2010: 100% trường tiểu học học 2 buổi, 50% trường THCS học 2 buổi; 30% trường mầm non, 50% trường Tiểu học và THCS, 100% trường THPT đạt chuẩn. Đến năm 2020: 100% trường học phổ thông các cấp đạt chuẩn quốc gia và học 2 buổi/ngày.

- Hoàn thành việc xây dựng Huế là Trung tâm y tế kỹ thuật cao cấp quốc gia, là trung tâm cung cấp dịch vụ y tế chất lượng cao có đẳng cấp quốc tế. Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng còn 12-13% năm 2010 và khoảng trên dưới 5% năm 2020.

- Tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống dưới 2% vào năm 2010 (theo chuẩn nghèo mới); về cơ bản không còn hộ nghèo vào năm 2020. Thu hẹp chênh lệch giữa các tầng lớp dân cư trong việc thụ hưởng các dịch vụ xã hội cơ bản.

- Đảm bảo an toàn xã hội và quốc phòng-an ninh, giảm tối đa các tệ nạn xã hội.

(3) Mục tiêu về xây dựng đô thị và bảo vệ môi trường

- Giữ gìn và đảm bảo Huế luôn là thành phố Vườn, Xanh, Sạch, Đẹp. Đến năm 2010 thành phố có hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị đáp ứng những tiêu chuẩn cao nhất của đô thị loại I. Đến năm 2020, hoàn thiện về cơ bản hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị hiện đại, ngang tầm với các thành phố phát triển trong khu vực.

- Đến năm 2010 đạt chỉ tiêu 100% dân cư nông thôn được dùng nước sạch; 90% dân cư đô thị được cấp nước sạch từ hệ thống cấp nước tập trung; Đến năm 2020 có 100% dân cư thành phố được cấp nước sạch từ hệ thống cấp nước tập trung.

- Tỷ lệ đất dành cho giao thông đô thị năm 2010 chiếm 23-25%, nâng lên trên 30% trong thời kỳ đến năm 2020.

- Diện tích cây xanh bình quân đầu người năm 2010 khoảng 15 m2/người. Thời kỳ 2011-2020, duy trì tỷ lệ diện tích trên và tập trung cải thiện, nâng cao chất lượng và thẩm mỹ cảnh quan cây xanh thành phố.

- Phấn đấu đạt 80% chất thải rắn đô thị được thu gom và xử lý hợp vệ sinh vào năm 2010 và 95-100% vào năm 2020.

- Hạn chế đến mức tối đa việc xả nước thải vào hệ thống sông, hồ của thành phố. Đến năm 2020 về cơ bản toàn bộ nước thải sinh hoạt, dịch vụ và công nghiệp của thành phố được xử lý, làm sạch đạt chất lương tiêu chuẩn môi trường Việt Nam trước khi hoà vào mạng lưới sông, hồ của thành phố.

- Đến năm 2010 xử lý được 50% số điểm ngập lụt, đến năm 2020 về cơ bản không còn điểm ngập lụt trên địa bàn Thành phố.

III. PHƯƠNG HƯỚNG PHÁT TRIỂN CÁC NGÀNH VÀ LĨNH VỰC

1. Phát triển các ngành dịch vụ

Hướng vào phát triển mạnh các loại hình dịch vụ chất lượng và trình độ cao, tạo giá trị gia tăng lớn, trong đó trú trọng đến những loại dịch vụ gắn liền với hoạt động Festival như du lịch, khách sạn, tài chính-ngân hàng, thông tin-viễn thông, thiết kế phần mềm tin học, đào tạo và dịch vụ y tế trình độ và chất lượng cao... Phấn đấu giá trị doanh thu toàn ngành tăng 25-30%/năm thời kỳ 2006-2010 và không dưới 20%/năm thời kỳ 2011-2020.

Du lịch: Phấn đấu đón 2,5 lượt khách du lịch (tăng bình quân 14%/năm), trong đó có 1,5 triệu khách quốc tế năm 2010. Đa dạng hoá các loại hình và nâng cao chất lượng dịch vụ để tăng số ngày lưu trú của khách lên trên 2 ngày/lượt khách. Doanh thu du lịch tăng 30-35%/năm. Đến năm 2020 đón không dưới 8 triệu lượt khách du lịch, tăng 12,4%/năm (trong đó 40-45% khách quốc tế), doanh thu tăng 18-20%/năm. Phấn đấu tăng số ngày lưu trú của khách lên khoảng 2,3-2,5 ngày/lượt khách.

Xây dựng và phát triển thành phố Huế trở thành một Thành phố du lịch – thành phố Festival của Việt Nam, một trong 5 trung tâm du lịch tổng hợp quốc gia, một trong 3 cụm du lịch chính của tỉnh Thừa Thiên Huế với các loại hình du lịch đa dạng, phong phú, hấp dẫn, cơ sở hạ tầng du lịch, nguồn nhân lực du lịch và những ngành, lĩnh vực phục vụ văn minh, hiện đại, tiếp cận các chuẩn quốc tế và giàu bản sắc dân tộc Việt Nam và Xứ Huế. Khai thác thương hiệu Thành phố Festival để phát triển du lịch với hệ thống các tour du lịch phong phú, hấp dẫn gắn kết trong nước và quốc tế (Tour du lịch Con đường di sản Miền Trung - với mục tiêu khám phá các di sản văn hoá thế giới; du lịch sinh thái kết hợp nghiên cứu khoa học, nghỉ dưỡng, du lịch mạo hiểm dưới biển và trên núi; du lịch nội đô Huế khám phá và thưởng thức văn hoá, nghệ thuật sống ở cố đô Huế; các tuyến du lịch nội tỉnh; các tuyến du lịch liên tỉnh; Cố đô Huế với cố đô các nước trong khu vực...)…

Trên địa bàn thành phố, kết hợp với các vùng phụ cận, hình thành 5 Cụm du lịch (kết hợp với phát triển các ngành dịch vụ chính) gồm 1 Cụm du lịch-dịch vụ trung tâm Thành phố và 4 Cụm du lịch phụ cận: Cụm du lịch - dịch vụ trung tâm Thành phố (Khu vực Bắc Sông Hương với Hoàng thành, khu thương mại-phố cổ Đông Ba, Gia Hội-Chi Lăng; Khu vực Nam Sông Hương từ đường Đống Đa đến bờ sông Hương với các hoạt động dịch vụ văn hoá, nghệ thuật đương đại, thương mại, vui chơi giải trí...; khu vực Cồn Hến là khu vực phát triển du lịch văn hoá, sinh thái); Cụm du lịch dịch vụ phía Đông- Nam Thành phố (khu đô thị mới An-Vân-Dương, đây là khu đô thị mới, hiện đại với những chung cư cao tầng, khách sạn cao cấp, trung tâm thương mại du lịch, trung tâm văn hóa, thể dục thể thao, vui chơi giải trí, khu du lịch nghỉ dưỡng, hội thảo, hội nghị); Cụm du lịch biển và đầm phá phía Đông Bắc Thành phố (là trục sông Hương từ Phú Bình qua Bao Vinh về phá Tam Giang đến biển Thuận An, là khu vực đầm phá ven biển thuận lợi cho phát triển các loại hình du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, thể thao biển, khám phá văn hoá dân cư ven biển gắn với phát triển vùng kinh tế biển); Cụm du lịch sinh thái và tâm linh phía Tây Nam Thành phố thuận lợi cho việc phát triển du lịch sinh thái, du lịch nhà vườn, du lịch tôn giáo và tâm linh; Cụm du lịch sinh thái phía Tây Bắc Thành phố (gồm các xã Hương Long, Hương Hồ, gắn với phát triển trục Quốc lộ 49 lên A Lưới... rất thuận lợi cho việc xây dựng các biệt thự nhà vườn, phát triển du lịch sinh thái, du lịch tôn giáo và tâm linh).

Tập trung đầu tư phát triển du lịch thành một ngành công nghiệp, động lực chính cho phát triển kinh tế, xã hội Thành phố theo hướng bền vững, đảm bảo môi trường sinh thái, bảo tồn và phát huy được giá trị lịch sử, phát triển được văn hóa truyền thống. Khai thác và phát huy hợp lý tiềm năng, lợi thế để tạo ra các loại hình du lịch văn hóa, di sản, sinh thái… hấp dẫn, phong phú, có thương hiệu Huế.

Thương mại: Dự kiến tốc độ tăng giá trị sản xuất ngành thương mại-dịch vụ thời kỳ 2006-2010 là 25-30%/năm, thời kỳ 2011-2015 là 17-19%/năm và thời kỳ 2016-2020 là 15-16%/năm.

Phát triển thương mại, dịch vụ gắn với thị trường của toàn tỉnh Thừa Thiên Huế, thị trường trong nước và ngoài nước với sự tham gia của nhiều thành phần kinh tế; mạng lưới kinh doanh được đầu tư, mặt hàng đa dạng, chủng loại phong phú, chất lượng và giá cả phù hợp, phong cách phục vụ văn minh, hiện đại; hướng mạnh vào xuất khẩu các sản phẩm công nghiệp và thủ công truyền thống, tạo thêm nhiều việc làm, đảm bảo môi trường, trật tự đô thị và an toàn xã hội.

Hình thành một số Trung tâm đại lý phân phối hàng bán sỉ, các Trung tâm thương mại và hệ thống các siêu thị, cửa hàng bán lẻ tổng hợp và chuyên dụng để phát huy vai trò Thành phố là trung tâm thương mại của tỉnh và một trong những trung tâm thương mại lớn của khu vực Miền Trung.

Xây dựng Trung tâm thương mại Thành phố Huế là Đầu mối giao dịch và xúc tiến thương mại; trung tâm xuất, nhập khẩu, bán buôn, phát luồng hàng; cung cấp các dịch vụ liên quan đến hoạt động thương mại; trung tâm điều phối, liên kết các hoạt động thương mại của tỉnh Thừa Thiên-Huế với các tỉnh, thành phố trên cả nước và quốc tế để làm động lực thúc đẩy phát triển thị trường trong tỉnh, trong nước và nước ngoài.

Xây dựng Trung tâm Hội chợ triển lãm tổ chức các Hội chợ, triển lãm, trưng bày, giới thiệu sản phẩm và là nơi giao dịch các hoạt động đầu tư, thương mại và các hoạt động của Festival.

Phát triển hệ thống các siêu thị, ngoài các siêu thị lớn như: Trung tâm thương mại Đông Ba, siêu thị trong Trung tâm thưong mại Thành phố và Trung tâm Hội chợ-triển lãm, xây dựng thêm một số siêu thị ở các khu dân cư tập trung. Trong giai đoạn 2007-2010 hình thành 2-3 siêu thị loại I, II. Giai đoạn 2011-2020 thành lập thêm 4-5 siêu thị tại các khu đô thị mới như siêu thị Bắc Tràng Tiền, triển khai xây dựng thêm các siêu thị An Hoà, Nam Thuỷ An, siêu thị trong khu đô thị An-Vân-Dương...

Phát triển thương mại điện tử: Hình thành và phát triển hệ thống thương mại điện tử bao gồm các hình thức: Thư điện tử (E-mail), Fax và hệ thống điện thoại Internet, hệ thống thanh toán điện tử, hệ thống dữ liệu điện tử và các của hàng ảo và phố kinh doanh ảo.

Mạng lưới các cửa hàng bán lẻ xăng dầu: Sắp xếp lại, tập trung và hiện đại hoá các cửa hàng. Đưa các cửa hàng hiện đang ở trong các khu vực trung tâm thành phố, các khu đông dân cư, khu vực di tích... ra vùng ven, tập trung ở các đầu mối giao thông cửa ngõ thành phố và khu vực thụân lợi.

Phát triển mạng lưới chợ: Sắp xếp lại, cải tạo, mở rộng và nâng cấp hệ thống chợ thành các trung tâm thương mại vừa phục vụ nhu cầu dân sinh của nhân dân thành phố, các vùng phụ cận, vừa phục vụ các mục đích tham quan du lịch, nghiên cứu và khám phá văn hoá truyền thống của khách du lịch. (Đầu tư mới và hoàn chỉnh chợ Đông Ba thành Trung tâm Thương mại Đông Ba; mở rộng, nâng cấp chợ An Cựu, chợ Bến Ngự, Tây Lộc trở thành các chợ trung tâm… xây dựng mới các chợ Thuỷ An, Hương Sơ, Phú Cát…; xây dựng các chợ đầu mối ở Phú Hậu, Nam Thủy An để làm trung tâm phân phối hàng hóa cho nhu cầu trong Tỉnh và ngoài Tỉnh). Hình thành một số đường phố kinh doanh thương mại về đêm ở Bờ sông Hương, 2 bờ sông Như Ý (đường Hàn Mạc Tử), phố đêm chợ Tây Lộc, tuyến Thủy Xuân - cầu Lim.... Tổ chức các phiên chợ đêm tại khu vực phố cổ Gia Hội.

Phát triển dịch vụ tài chính: Mở rộng, đa dạng hoá các loại dịch vụ ngân hàng và nâng cấp đạt tiêu chuẩn và phù hợp với các thông lệ quốc tế. Đưa tiến bộ công nghệ vào các dịch vụ giao dịch tài chính-ngân hàng: Sử dụng rộng rãi các phương tiện thanh toán, chuyển tiền và rút tiền hiện đại như thẻ thanh toán, thẻ tín dụng, thẻ rút tiền tự động, thư chuyển tiền...

- Phát triển các dịch vụ dịch vận tải, bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin; tư vấn, pháp lý, các dịch vụ phát thanh, truyền hình; dịch vụ văn hóa và giải trí; thu hút các hoạt động liên hoan phim quốc gia và quốc tế; hình thành Hãng phim ’’Cố Đô’’.

2. Phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp

Tiếp tục phát triển với tốc độ cao, ổn định làm cơ sở đạt được tốc độ tăng trưởng kinh tế cao trong thời kỳ 2006-2010 và thời kỳ đến năm 2020 (giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn tăng bình quân trên 16,0%/năm thời kỳ 2006-2010, trên 14%/năm thời kỳ 2011-2015 và trên 12% thời kỳ 2016-2020). Tỷ trọng khu vực công nghiệp trong tổng sản phẩm của Thành phố năm 2010 khoảng 37-39%, năm 2015 khoảng 34-35% và năm 2020 còn khoảng 30-32%. Đa dạng hoá chủng loại và nâng cao chất lượng sản phẩm để nâng cao năng lực cạnh tranh và đáp ứng yêu cầu thị trường.

Đầu tư hiện đại hoá công nghệ, trang thiết bị theo hướng đổi mới đồng bộ và ứng dụng công nghệ-kỹ thuật tiên tiến trong sản xuất công nghiệp. Chuyển đổi, cơ cấu lại sản xuất công nghiệp theo hướng ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp sạch, kỹ thuật-công nghệ cao, có sức cạnh tranh và sản xuất hàng xuất khẩu như: công nghệ thông tin-viễn thông, điện tử, hoá dược, dệt may, da giày, chế biến thực phẩm đặc sản xuất khẩu. Phát triển công nghiệp chế tác sản xuất hàng tiêu dùng và tiểu thủ công nghiệp (hàng thủ công mỹ nghệ, thêu, đồ gỗ mỹ nghệ...) để giải quyết việc làm cho người lao động trong khu vực đô thị hoá. Hạn chế và tiến tới chấm dứt khai thác tài nguyên khoáng sản (khai thác cát, sạn trên sông Hương, khai thác đá,...) để giữ gìn cảnh quan thiên nhiên cho thành phố di sản.

Tổ chức hợp lý không gian sản xuất công nghiệp, hình thành các cụm công nghiệp (Bắc Hương Sơ, Nam Thuỷ An, khu vực Đông-Nam thành phố), sắp xếp, cơ cấu lại các cơ sở công nghiệp trong nội thị, di chuyển một số cơ sở công nghiệp có nguy cơ gây ô nhiễm và tiếng ồn cao ra khỏi địa bàn thành phố.

Đầu tư khôi phục và phát triển tiểu thủ công nghiệp và ngành nghề truyền thống (các mặt hàng: thêu, sơn mài, gốm sứ, trạm khắc gỗ nghệ thuật, đúc đồng, làm nón, thực phẩm truyền thống đặc thù xứ Huế). Khôi phục và hoàn thiện các làng nghề: làng Đúc- phường Đúc, làng Nón Đốc Sơ (Hương Sơ), làng Thêu (Thuận Lộc), làng gỗ mỹ nghệ (Kim Long)... Mở thêm các ngành nghề thủ công, mỹ nghệ sản xuất hàng hoá-sản phẩm đồ lưu niệm phục vụ khách du lịch.

Cải thiện nhanh và mạnh hơn môi trường sản xuất kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy các doanh nghiệp nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh trên thị trường. Đẩy mạnh đổi mới doanh nghiệp nhà nước phù hợp với lộ trình hội nhập kinh tế quốc tế.

3. Phát triển nông nghiệp

Giá trị sản xuất nông nghiệp tăng bình quân 2 - 4%/năm thời kỳ 2006-2010; nâng giá trị bình quân 1 ha canh tác đất nông nghiệp lên trên 40 triệu đồng năm 2010. Thời kỳ 2011-2020, tập trung phấn đấu tăng giá trị sản xuất trên 1 ha lên 1,8-2,0 lần.

Tạo sự chuyển biến mạnh về cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng là nơi nghiên cứu, sản xuất, cung cấp giống và hướng dẫn chuyển giao kỹ thuật nuôi trồng các loại cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao; là nơi sản xuất hàng hóa chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng và phục vụ du lịch; là nền nông nghiệp sinh thái áp dụng kỹ thuật cao, công nghệ sạch trong sản xuất, bảo quản và chế biến các loại sản phẩm nông nghiệp.

4. Phát triển các lĩnh vực xã hội

Gắn phát triển kinh tế với giải quyết các vấn đề xã hội, chú trọng giải quyết việc làm và xóa đói giảm nghèo; từng bước mở rộng và nâng cao chất lượng công tác giáo dục - đào tạo, y tế, văn hóa và giải quyết các vấn đề xã hội nhằm cải thiện một bước đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.

4.1. Nâng cao chất lượng dân số, phát triển nguồn nhân lực: Giảm tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên xuống dưới 11% vào năm 2010 và giảm tiếp còn dưới 8% năm 2020 đảm bảo duy trì tỷ lệ tăng dân số tự nhiên từ 1,0 - 1,05%. Phát triển nguồn nhân lực theo hướng đáp ứng nhu cầu của thành phố du lịch, dịch vụ chất lượng cao. Tăng nhanh lực lượng lao động qua đào tạo, đưa tỷ lệ lao động qua đào tạo lên 65-70% năm 2010 và lên trên 90% năm 2020. Mở rộng đào tạo công nhân kỹ thuật để đáp ứng nhu cầu phát triển các ngành công nghiệp mới có hàm lượng khoa học cao như công nghệ thông tin, điện tử, kỹ thuật điện, cơ khí chính xác, công nghiệp sinh học... Đào tạo nguồn nhân lực đặc thù cho thành phố Festival: chuyên gia nghiên cứu về văn hoá, nghệ thuật truyền thống; nghệ sỹ, nghệ nhân, đội ngũ những người làm công tác marketing về quảng bá, các hoạt động Festival và tiếp thị du lịch,...

4.2. Giải quyết việc làm, chuyển dịch cơ cấu lao động và xoá đói giảm nghèo: Chuyển dịch mạnh cơ cấu kinh tế theo hướng dịch vụ để tạo thêm nhiều việc làm. Phấn đấu hàng năm giải quyết việc làm cho 8.000 - 10.000 lao động. Giảm tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 2% đến năm 2010. Tập trung các nguồn lực để thực hiện dự án dân vạn đò và giải tỏa dân vùng Thượng thành, Hộ thành hào, sông Ngự Hà và các vùng di tích, các vùng giải tỏa để bố trí hợp lý dân cư, chỉnh trang đô thị, phòng chống bão lụt theo phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm; phấn đấu đến năm 2010 giải quyết cơ bản về ổn định dân cư.

4.3. Giáo dục-đào tạo

Tập trung đẩy mạnh xã hội hoá đầu tư xây dựng, nâng cấp cơ sở trường, lớp học để phát triển giáo dục mầm non đến năm 2010 có 40% trường được tầng hóa và chuẩn hóa, đến năm 2020 có 100% trường đạt chuẩn; tăng tỷ lệ trẻ vào mẫu giáo đạt trên 70% vào năm 2010 và trên 90% năm 2020. Các trường tiểu học, năm 2010 có 100% trường đạt chuẩn quốc gia. Phấn đấu 100% phường, xã đạt tiêu chí về tỷ lệ đối tượng trong độ tuổi đạt trình độ học vấn trung học phổ thông. Đến năm 2010 có 50% và đến năm 2020 có 100% trường THCS đạt chuẩn. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào lĩnh vực quản lý, dạy học.

Từng bước xây dựng trường chất lượng cao từ mẫu giáo đến THPT, đặc biệt là trường chất lượng cao THCS Nguyễn Tri Phương, Trường THPT Hai Bà Trưng, Trường Quốc Học Huế ngang tầm với cả nước, khu vực và quốc tế.

Xúc tiến đầu tư xây dựng trường tư thục Quốc tế (có thể bố trí tại Khu đô thị An Vân Dương) và các trường tiểu học, trung học cơ sở tại khu đô thị mới phục vụ dân cư khu đô thị mới, dãn học sinh từ các khu nội thành.

Xây dựng Huế trở thành Trung tâm đào tạo lớn của khu vực miền Trung và cả nước. Nâng cấp, đầu tư mở rộng và hiện đại hoá, phát triển Đại học Huế lên quy mô 30 ngàn sinh viên hệ dài hạn chính quy, nâng cao chất lượng đào tạo với các thế mạnh được xác định là công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, y học, kiến trúc, kinh tế du lịch, văn học, nghệ thuật truyền thống...

Phát triển cơ sở đào tạo nghề ở TP Huế đủ năng lực cung cấp lao động lành nghề và công nhân kỹ thuật đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu lao động. Xúc tiến việc nâng cấp và mở rộng hệ thống trường cao đẳng, trung học chuyên nghiệp. Nghiên cứu thành lập Trung tâm đào tạo công nghệ cao và Trung tâm nghiên cứu và dạy nghề truyền thống.

4.4. Y tế và chăm sóc sức khoẻ

Xây dựng và phát triển mạng lưới y tế và chăm sóc sức khoẻ nhân dân đảm bảo cung cấp dịch vụ an toàn, kịp thời, chất lượng cao với chức năng là trung tâm y tế chuyên sâu của khu vực Miền Trung về khám chữa bệnh, y tế dự phòng và đào tạo chuyên môn. Tiếp tục đầu tư mở rộng, đồng bộ và hiện đại hoá bệnh viện Trung ương Huế và các thiết chế khác của Trung tâm y tế chuyên sâu miền Trung. Xây dựng Bệnh viện quốc tế (phục vụ người nước ngoài và người Việt Nam có nhu cầu). Cải tạo, nâng cấp và mở rộng Bệnh viện Thành phố (đưa quy mô lên 300-500 giường và chuyển địa điểm về phía Bắc Thành phố), bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh, bệnh viện Trường Đại học Y khoa kết hợp làm cơ sở thực hành, đào tạo và phối hợp sử dụng có hiệu quả công suất của bệnh viện Quân Khu IV, bệnh viện Đường Sắt.

Tập trung đầu tư kiên cố hóa, trang bị đồng bộ, tương đối hiện đại tất cả các trạm y tế phường xã và các phòng khám khu vực, các nhà hộ sinh; bố trí đủ bác sỹ, y tá đảm bảo cho nhu cầu khám, chữa bệnh, sơ cứu, cấp cứu, chăm sóc sức khỏe cộng đồng, phòng chống dịch tại chỗ.

Khuyến khích khu vực tư nhân đầu tư xây dựng bệnh viện và các cơ sở khám chữa bệnh. Hỗ trợ và thực hiện tốt kịp thời các chương trình mục tiêu quốc gia về y tế, về dân số-kế hoạch hoá gia đình, về nước sạch và vệ sinh môi trường... Mở rộng bảo hiểm Y tế, đảm bảo cho mọi người nghèo được chăm sóc sức khoẻ. Phấn đấu đến năm 2010 tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng còn 12-13% và khoảng trên dưới 5% năm 2020.

4.5. Văn hoá, thông tin và thể dục-thể thao

Xây dựng hệ thống thiết chế văn hoá. Bảo vệ, giữ gìn, phát huy giá trị di sản văn hóa, giá trị truyền thống văn hóa, truyền thống cách mạng góp phần tích cực vào việc xây dựng Huế thành Thành phố Festival của Việt Nam, thành phố trung tâm văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc, phát triển hiện đại và bền vững. Tiến hành xây dựng khu văn hóa Bắc Ngự Bình.

Phát triển mạng lưới thông tin, phát thanh, truyền hình, nâng cao chất lượng thu phát sóng, chất lượng nội dung các chương trình phát thanh và truyền hình địa phương thiết thực, bổ ích, phù hợp với trình độ, yêu cầu của người dân.

Tiếp tục bảo vệ và tôn tạo các di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh. Tuyên truyền, giáo dục nhân dân trân trọng và phát huy các giá trị về văn hóa lịch sử, phong tục tập quán lành mạnh. Xây dựng nhà văn hóa sinh hoạt cộng đồng ở các phường. Thực hiện tốt phong trào " Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ", phấn đấu 90% gia đình đạt chuẩn gia đình văn hoá.

Nâng cấp, hoàn thiện, đồng bộ và hiện đại hoá Trung tâm Thể dục thể thao Thành phố, Nhà thi đấu, Sân vận động Tự Do của tỉnh,... Xây dựng sân bóng và sân luyện tập thể thao ở các phường xã. Tổ chức tốt phong trào "Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại". Đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động thể dục thể thao với sự tham gia của nhiều ngành, nhiều tổ chức, nhiều cá nhân, nhiều doanh nghiệp. Xây dựng sân Golf tại xã Thủy An.

5. Phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật chủ yếu

Phát triển kết cấu hạ tầng đô thị kết hợp chỉnh trang đô thị theo hướng phát huy giá trị văn hoá kiến trúc Thành phố Cố đô, của quần thể di sản văn hoá thế giới, giá trị cảnh quan thiên nhiên; tập trung có trọng điểm nhằm hỗ trợ trực tiếp có hiệu quả cho phát triển kinh tế; quan tâm những nơi khó khăn, yếu kém để nâng chất lượng bộ mặt đô thị và đời sống nhân dân đồng đều hơn.

Xây dựng và phát triển hệ thống hạ tầng đô thị đồng bộ, hoàn chỉnh và hiện đại, đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn của đô thị loại I về: nhà ở, công trình công cộng, giao thông, cấp nước, thoát nước mưa, nước thải, cấp điện, chiếu sáng đường phố, thông tin bưu điện, diện tích cây xanh, vệ sinh môi trường, xử lý chất thải... hướng tới xây dựng thành phố ''''sáng, xanh, sạch, đẹp'''', phát triển theo hướng bền vững.

5.1. Giao thông

- Giao thông đối ngoại

Kết nối liên hoàn các tuyến giao thông nội thị với các tuyến giao thông liên tỉnh, quốc gia và quốc tế. Mở rộng, nâng cấp và chỉnh trang 4 cửa ngõ Vào-Ra chính của thành phố: Phía Bắc là Quốc lộ 1, Phía Đông-Bắc ra cửa Thuận An, Phía Tây-Nam đến khu vực Lăng tẩm và Quốc lộ 1 ở phía Đông-Nam. Tăng cường đầu tư xây dựng hoàn chỉnh các tuyến đường vành đai 2 và 3 nối với các cầu qua Sông Hương để tạo thông thoáng giữa các khu vực, phân khu chức năng của thành phố. Cải tạo, nâng cấp Ga đường sắt thành phố Huế để chuyên phục vụ hành khách. Chuyển ga hàng hoá về ga khu vực Văn Xá ở phía bắc và Hương Thuỷ ở khu vực phía Nam. Sớm hoàn thành xây dựng đường cao tốc Đà Nẵng-Chân Mây-Huế-Đông Hà nối với tuyến Đường 9 hành lang Đông-Tây sang Lào, Thái Lan và Miến Điện. Mở rộng và hiện đại hoá sân bay Phú Bài trở thành cảng hàng không quốc tế nâng công suất lên 1 triệu hành khách/năm.

- Giao thông đối nội (nội thành): Nâng cấp, xây dựng, phát triển mạng lưới giao thông trong thành phố kết nối với hệ thống giao thông đối ngoại và lan toả đến các đô thị vệ tinh một cách hoàn chỉnh, đồng bộ, liên thông giữa các cấp đường, cầu, cống, vỉa hè và hạ tầng kỹ thuật đi kèm. Chú trọng các loại hình giao thông phục vụ du lịch, giao thông khu di tích cố đô và các làng du lịch văn hóa, các khu nhà vườn. Xây dựng kéo dài đường Nguyễn Văn Linh, đường Nguyễn Chí Thanh, Kim Long, Nguyễn Hoàng về đường tránh Huế,... Chỉnh trang, nâng cấp đường và hè phố các trục đường và tuyến phố nối các điểm du lịch và các trung tâm Festival chính: Lê Duẩn, Hà Nội, Lê Lợi, Điện Biên Phủ, Nguyễn Huệ... Nghiên cứu xây dựng cầu đường bộ qua Sông Hương ở khu vực gần cầu đường sắt Bạch Hổ. Nâng cấp cầu Đông Ba, hệ thống cầu vào Kinh thành; xây dựng các cầu Ngã Tư, cầu qua Cồn Hến, các cầu qua sông An Cựu, cầu Đập Đá, cầu qua sông An Hoà, qua sông Đông Ba… Phát triển giao thông công cộng các tuyến trong nội thành và từ Thành phố đến khu vực các lăng tẩm, khu công nghiệp Tứ Hạ, Phú Bài, bãi biển Thuận An và sân bay Phú Bài.

- Giao thông tĩnh: Cải tạo, mở rộng và nâng cấp Bến xe liên tỉnh Bắc Hương Sơ thành bến xe nội tỉnh. Đầu tư xây dựng bến xe liên tỉnh mới tại Tứ Hạ (Hương Trà) ở phía Bắc và Bến xe liên tỉnh phía Nam ở khu vực Phú Bài... Mở rộng, nâng cấp, đồng bộ hoá và xây dựng mới các bãi đỗ xe du lịch Nguyễn Hoàng phục vụ khu vực kinh thành, các Lăng Tự Đức, Khải Định, Chùa Thiên Mụ, Cung An Định..., dành quỹ đất và xây dựng các bãi đậu xe trong thành phố.

5.2. Phát triển và nâng cấp mạng lưới bưu điện và bưu chính viễn thông

Phát triển ngành bưu chính viễn thông theo hướng hiện đại và đủ mạnh để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội của trung tâm đô thị cấp quốc gia, thành phố du lịch, thành phố Festival và các du khách trong nước, quốc tế. Cáp quang hoá và ngầm hoá các tuyến đường truyền dẫn đảm bảo mỹ quan và vận hành an toàn. Xây dựng các Trạm Bưu cục tại các khu đô thị mới. Đặt thêm các trạm (máy) điện thoại lưu động ở các điểm công cộng … 

5.3. Phát triển và nâng cấp hệ thống cấp điện, cấp thoát nước và chiếu sáng đô thị

- Hệ thống cấp điện: Nâng cấp, hiện đại hoá mạng lưới cấp điện đáp ứng nhu cầu phụ tải đang tăng hàng năm, đảm bảo cấp điện liên tục, an toàn và thẩm mỹ cảnh quan của thành phố đô thị loại 1, trung tâm đô thị cấp quốc gia và thành phố Festival.

- Hệ thống chiếu sáng đô thị: Xây dựng hệ thống chiếu sáng đô thị của thành phố đáp ứng yêu cầu chiếu sáng bình thường và chiếu sáng trang trí, nghệ thuật trong các dịp tổ chức Festival, lễ hội. Sử dụng những thành tựu mới của khoa học-công nghệ chiếu sáng (hệ thống chiếu sáng bằng tia Lazer, hệ thống chiếu sáng điều khiển tự động...) để đảm bảo yêu cầu mỹ thuật, hiện đại, tiết kiệm và hiệu quả. Tập trung đầu tư xây dựng hệ thống chiếu sáng trang trí nghệ thuật làm đẹp cảnh quan thành phố và phục vụ tổ chức Festival, lễ hội… tại những khu vực trọng điểm: khu vực Đại Nội và các cung điện, lăng tẩm, các danh lam, thắng cảnh và công trình công cộng…

- Hệ thống cấp, thoát nước

+ Cấp nước sinh hoạt và sản xuất-dịch vụ: Mở rộng và nâng công suất, nâng cao chất lượng nước ở các nhà máy nước (Quảng Tế, Giã Viên), cải tạo hệ thống đường ống nhằm tạo nguồn và đảm bảo cấp nước sạch cho sinh hoạt và sản xuất-dịch vụ đúng tiêu chuẩn vệ sinh, liên tục và đầy đủ, với công suất cấp nước 120.000-130.000 m3/ngày đêm năm 2010 và 180.000-200.000 m3/ngày đêm năm 2020.

- Thoát nước mưa và nước thải: Hệ thống thoát nước mưa và nước thải của thành phố đến năm 2010 phải đạt được mục tiêu xoá bỏ các điểm ngập lụt và không gây ô nhiễm môi trường, đặc biệt là nguồn nước Sông Hương. Đến năm 2010 có 80% (đạt chuẩn quy định đối với đô thị loại I) và năm 2020 toàn bộ nước thải công nghiệp và sinh hoạt trên địa bàn thành phố phải được xử lý trước khi thoát vào hệ thống thoát nước thải chung của thành phố. Xây dựng, nâng cấp và hoàn thiện hệ thống thoát nước thải các khu vực trong thành phố (Khu vực thành nội, khu vực phố cũ (bao gồm các phường Phú Nhuận, Phú Hội, Vĩnh Ninh, Phước Vĩnh, Phường Đúc, An Cựu,...), khu vực đô thị mới (bao gồm các phường Phú Hiệp, Phú Hậu, Phú Hoà và Phú Cát).

5.4. Vấn đề vệ sinh môi trường, bảo vệ môi trường

- Gom rác và xử lý các chất thải rắn: Phấn đấu đến năm 2010 nâng tỷ lệ thu gom và xử lý hợp vệ sinh các chất thải rắn lên trên 80% và đến năm 2020 về cơ bản toàn bộ các chất thải rắn trên địa bàn thành phố được thu gom, xử lý đảm bảo yêu cầu vệ sinh và bảo vệ môi trường.

- Xây dựng các nhà vệ sinh công cộng: Cải tạo, nâng cấp các nhà vệ sinh công cộng hiện có và xây dựng thêm tại các khu vực bến xe, bến thuyền, chợ, công viên, di tích, điểm du lịch và một số tuyến phố chính đảm bảo những khu vực này đều có nhà vệ sinh đủ tiêu chuẩn vệ sinh môi trường. Chuẩn bị sẵn sàng các trạm nhà vệ sinh lưu động để phục vụ nhu cầu tăng nhanh trong thời gian tổ chức Festival và những hoạt động cộng đồng quy mô lớn.

- Phát triển hệ thống công viên, cây xanh: Lựa chọn các loại giống cây, giống hoa mới để chỉnh trang làm sắc nét các công viên, đường phố hiện có và các đường phố tại các khu đô thị mới. Phát triển các khu vực xanh, thảm cỏ đặc trưng của Thành phố. Hàng năm, trồng mới 8.000-10.000 cây xanh trên đường phố theo quy hoạch. Nâng diện tích cây xanh bình quân đầu người lên 15 m2/người năm 2010 (tổng diện tích 540 ha).

Áp dụng đồng bộ các biện pháp bảo vệ môi trường sinh thái, tập trung chống ô nhiễm nguồn nước, vệ sinh môi trường ở các khu du lịch, các điểm du lịch. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục trong nhân dân về ý thức bảo vệ môi trường, và vệ sinh môi trường sống.

6. Tổ chức không gian lãnh thổ

6.1. Tổ chức không gian kinh tế lãnh thổ. Hình thành và phát triển không gian kinh tế lãnh thổ với 4 khu vực sau:

- Khu vực 4 phường nội thành: Phát triển thành khu trung tâm du lịch, thương mại và dịch vụ. Hình thành các tuyến phố thương mại theo hướng vừa kinh doanh vừa giới thiệu về di sản và văn hóa Huế. Ưu tiên tập trung đầu tư phục dựng các công trình trong thành Nội, triển khai chỉnh trang, tôn tạo Hộ thành hào, sông Ngự Hà, hồ Tịnh Tâm và các hồ khác. Từng bước di dời, tái định cư dân Thượng thành. Nhanh chóng giải quyết triệt để tình trạng lấn chiếm các khu di tích, bảo tồn, tôn tạo cảnh quan và các di sản văn hóa, phát triển các thiết chế văn hóa - du lịch.

- Khu vực phía Bắc Hương Sơ: Là khu vực phát triển công nghiệp tập trung và đô thị mới. Đẩy nhanh xây dựng các khu đô thị mới và dân cư ở Hương Sơ, Phú Hậu. Tập trung cải tạo và xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật như giao thông, cấp điện, cấp nước, thoát nước và thông tin liên lạc theo hướng đồng bộ để chuẩn bị mở rộng thành phố.

- Khu vực phía Nam Sông Huơng: Là khu vực hành chính, du lịch và dịch vụ. Hình thành các khu đô thị mới theo hướng văn minh hiện đại tại phía Đông Nam kết nối với khu đô thị biệt thự nhà vườn phía Tây-Nam. Đẩy nhanh xây dựng khách sạn cao cấp, phát triển các khu dịch vụ- thương mại cao cấp, xây dựng các trung tâm du lịch ở trung tâm Thành phố. Đầu tư xây dựng các khu dịch vụ, du lịch sinh thái, Festival kết hợp trình diễn thủ công mỹ nghệ và giới thiệu văn hóa Huế. Xây dựng một số cụm công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp sạch (trước mắt là Khu công nghiệp Nam Thuỷ An, dự kiến bố trí thêm Khu công nghiệp ở vùng Đông-Nam Thành phố).

- Vùng ven đô: Gồm 5 xã ngoại thành hiện nay. Hướng phát triển là khuyến khích phát triển nghề và làng nghề tiểu, thủ công mỹ nghệ như mộc, điêu khắc... và dịch vụ để từng bước phân bố lại lao động theo hướng giảm nhanh lao động thuần nông, tăng tỷ trọng lao động ngành nghề, dịch vụ. Chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo hướng phát triển các loại sản phẩm cây trồng có chất lượng cao: thanh trà, hoa, cây cảnh, rau sạch, cá giống... Phát triển chăn nuôi với hình thức tổ chức trang trại tập trung và lựa chọn các loại con vật nuôi phù hợp với vị trí của nền nông nghiệp ngoại ô đang đô thị hoá. Đẩy nhanh xây dựng kết cấu hạ tầng, phát triển kinh tế gắn với việc xây dựng và phát triển nông thôn mới theo hướng đô thị hoá.

6.2. Tổ chức không gian đô thị. Cùng với việc tôn tạo, xây dựng hiện đại hoá khu đô thị trung tâm hiện hữu, xây dựng các khu đô thị mới và vệ tinh sau: Khu đô thị An Vân Dương(1.700 ha): Phân bố ở phía Đông, trên địa bàn Thành phố Huế và các huyện Phú Vang, Hương Thuỷ; là khu đô thị mới hiện đại có tính chất tà trung tâm dịch vụ thương mại, trung tâm thể dục-thể thao, vui chơi giải trí phục vụ nhu cầu về du lịch, nghỉ dưỡng của người dân thành phố và du khách. Triển khai tiếp tục, đồng bộ và khẩn trương các dự án khu đô thị mới Nam Thủy An (quy mô 274 ha), khu đô thị Bắc Hương Sơ (quy mô 37,2 ha) và Tây Hương Sơ (quy mô 100 ha)...

6.3. Tổ chức không gian công nghiệp: Tổ chức không gian công nghiệp hợp lý nhằm tạo mặt bằng thuận lợi để thu hút vốn đầu tư, đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế và bảo vệ môi trường bền vững. Tiếp tục di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm, tiếng ồn và ảnh hướng đến việc bảo tồn di tích, đời sống dân cư và môi trường ra khỏi các khu dân cư, khỏi khu trung tâm và nội thành.

Khẩn trương xây dựng và hoàn chỉnh hạ tầng kỹ thuật Cụm công nghiệp và làng nghề Hương Sơ, cụm công nghiệp và làng nghề Nam Thuỷ An, nghiên cứu lập dự án thành lập thêm một khu công nghiệp ở phía Đông Nam thành phố, gắn với sử dụng cảng Thuận An, thực hiện dự án làng nghề đúc đồng Phường Đúc - Thủy Xuân và nghiên cứu đầu tư một số làng nghề khác...

IV. NHỮNG GIẢI PHÁP CHỦ YẾU

1. Giải pháp huy động vốn đầu tư: Để huy động và thu hút được nguồn vốn đầu tư, cần thực hiện đồng bộ các chính sách và giải pháp sau:

Vốn ngân sách (bao gồm ngân sách trung ương, ngân sách địa phương và ODA được đưa vào cân đối trong ngân sách) chủ yếu dành để phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế và xã hội. Dự kiến vốn đầu tư từ ngân sách sẽ đáp ứng được khoảng 25-30% tổng nhu cầu vốn đầu tư. Để tăng thêm được nguồn vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước, cần tăng tỷ lệ tích luỹ từ nội bộ nền kinh tế của thành phố, phấn đấu tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng cao trong thời kỳ dài và có các biện pháp khuyến khích tiết kiệm cho đầu tư phát triển. Kêu gọi Trung ương đầu tư vào các công trình kết cấu hạ tầng lớn của mạng lưới giao thông (hệ thống cấp thoát nước, các tuyến đường vành đai của thành phố nằm trên các trục quốc lộ, các trường đại học thuộc Đại học Huế, Trung tâm y tế chuyên sâu, trùng tu, tôn tạo di tích cố đô Huế...).

Huy động nguồn vốn đầu tư từ các doanh nghiệp và người dân: Nguồn vốn đầu tư từ các doanh nghiệp và dân cư ước tính khoảng 40-45% trong cơ cấu tổng vốn đầu tư. Để tăng nguồn vốn này cần thực hiện cải cách hành chính, tạo môi trường thông thoáng, điều kiện thuận lợi để thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước và có các biện pháp khuyến khích nhân dân và các doanh nghiệp bỏ vốn vào xây dựng, mở rộng sản xuất kinh doanh. Phát triển kinh tế cá thể và doanh nghiệp nhỏ và vừa, nhất là trong lĩnh vực du lịch-dịch vụ, công nghịêp hiện đại, các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp truyền thống...

Vốn tín dụng và liên doanh, liên kết với các địa phương ngoài tỉnh (kể cả đầu tư nước ngoài). Dự kiến sẽ đáp ứng được 25-30% tổng nhu cầu vốn đầu tư. Cần đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, giảm thiểu các đầu mối tiếp xúc, tạo mọi điều kiện thuận lợi để thu hút các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài và từ tỉnh ngoài, nhất là từ TP Hồ Chí Minh và Hà Nội vào địa bàn thành phố, khuyến khích các dự án đang hoạt động đầu tư mở rộng sản xuất. Nguồn vốn này dùng cho việc xây dựng kết cấu hạ tầng (ngân sách nhà nước hỗ trợ lãi suất), xây dựng các công trình thuộc các lĩnh vực ưu tiên, khuyến khích đầu tư như: giáo dục-đào tạo, y tế, văn hoá, thể thao, du lịch (du lịch sinh thái, khu vui chơi giải trí, làng du lịch, khách sạn tiêu chuẩn quốc tế 4-5 sao), công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, điện tử, vật liệu mới, dịch vụ tài chính-ngân hàng, sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ, đầu tư xây dựng kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp, xử lý chất thải, bảo vệ môi trường….

Các nguồn vốn khác: Phát hành công trái (Công trái xây dựng Thành phố Festival), huy động đóng góp của nhân dân bằng hình thức nhà nước và nhân dân cùng làm, xã hội hóa các lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hoá, thể dục thể thao... Tranh thủ nguồn vốn của Việt kiều và người dân Xứ Huế sinh sống ở tỉnh ngoài mang vốn về đầu tư trên địa bàn tỉnh,…

2. Giải pháp về phát triển thị trường, mở rộng và phát triển quan hệ hợp tác với các địa phương trong nước và quốc tế

Thị trường quan trọng nhất quyết định sự phát triển của thành phố Huế trong tương lai là các sản phẩm dịch vụ, du lịch và hàng công nghịêp chế biến chất lượng cao. Tăng cường hoạt động quảng bá, giới thiệu tiềm năng, môi trường và cơ hội đầu tư phát triển kinh tế của thành phố Huế, các loại hình sản phẩm du lịch, dịch vụ của thành phố ở trong nước và quốc tế, đặc biệt là khai thác tiềm năng phát triển du lịch của thành phố với chính sách ưu đãi, đặc biệt hướng đến liên kết, thiết lập các quan hệ đối tác kinh tế tiềm năng, hiệu quả và lâu dài, tạo môi trường phát triển kinh tế năng động và đa dạng hơn.

Thực hiện thường xuyên và có hiệu quả việc dự báo thị trường, nhất là đối với các loại sản phẩm dịch vụ và hàng hoá chủ lực của thành phố. Hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa hoạt động tìm kiếm thị trường, giới thiệu các sản phẩm mới, quảng cáo, chuyển giao công nghệ, tư vấn đầu tư, bồi dưỡng kiến thức quản trị kinh doanh. Khai thông, mở rộng, phát triển và quản lý tốt các thị trường: vốn, bất động sản, lao động, dịch vụ… để huy động, tăng thêm các nguồn vốn và thức đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh.

Nhanh chóng cải thiện môi trường đầu tư và kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi và hỗ trợ các nhà đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh; giải quyết đồng bộ các thủ tục từ đăng ký đầu tư đến triển khai dự án xây dựng, sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Tận dụng xu thế hội nhập kinh tế quốc tế và cơ hội Việt Nam là thành viên của tổ chức thương mại thế giới (WTO) cũng như thành viên của Diễn đàn hợp tác kinh tế khu vực châu Á Thái Bình Dương (APEC), ASEM, ASEAN... Thành Phố Huế cần tiếp tục đa dạng hoá, đa phương hoá các mối quan hệ hợp tác về hợp tác phát triển du lịch, hợp tác về phát triển văn hoá, hợp tác về phát triển thương mại, dịch vụ, hợp tác về phát triển đào tạo nguồn nhân lực và khoa học-công nghệ, hợp tác về hỗ trợ phát triển các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp và làng nghề truyền thống,...

3. Giải pháp về phát triển nguồn nhân lực và thu hút nhân tài

Phát huy lợi thế của Thành phố là trung tâm đào tạo, truyền thống hiếu học và trí thông minh của người dân xứ Huế, ưu tiên đào tạo đội ngũ cán bộ đầu đàn và nguồn nhân lực chất lượng cao, trước hết là các ngành, lĩnh vực trực tiếp liên quan đến xây dựng Thành phố Festival, công nghệ thông tin, y học, cán bộ quản lý, doanh nhân và công nhân kỹ thuật trình độ cao.

Đổi mới cơ chế, chính sách sử dụng và đãi ngộ nhân tài. Khuyến khích nhân tài Xứ Huế ở lại, những người gốc Huế ở khắp nơi trong nước và ở nước ngoài trở về đầu tư các dự án phát triển kinh tế-xã hội của thành phố. Thu hút nhân tài và trí tuệ của nhân dân trên khắp các vùng của đất nước và Việt Kiều đóng góp vào việc xây dựng Huế trở thành Thành phố Festival đặc trưng của Việt Nam.

4. Giải pháp về khoa học công nghệ: Nghiên cứu xây dựng Công viên công nghệ thông tin (hoặc Công viên phần mềm) ngay tại Thành phố để nghiên cứu, thiết kế, sản xuất các loại chương trình phần mềm cơ bản và ứng dụng, nghiên cứu ứng dụng đẩy nhanh tốc độ chuyển giao công nghệ, tăng cường năng lực công nghệ và giúp nghiên cứu công nghệ đặc thù cho thành phố, nhất là trong công nghiệp thông tin, điện tử, cơ khí, hoá dược, chế biến thực phẩm, bảo vệ, khôi phục và trùng tu các di tích lịch sử, phát triển nông nghiệp ngoại thành sạch trên nền công nghệ cao…

Tăng cường nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ phục vụ quản lý nhà nước. Khuyến khích các doanh nghiệp nghiên cứu và ứng dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất kinh doanh…

5. Cải cách hành chính, nâng cao năng lực quản lý điều hành

Nghiên cứu mở rộng ranh giới của Thành phố để đáp ứng yêu cầu xây dựng và phát triển. Hướng mở rộng là về phía Đông ra đến biển và về phía Nam dọc theo Quốc lộ số 1.

Tiếp tục bổ sung, cải tiến và hoàn thiện quy trình làm việc tại Trung tâm Nghiệp vụ hành chính công của UBND thành phố, đổi mới phương thức tổ chức công việc và lề lối làm việc của UBND phường/xã mới theo hướng công khai, rõ ràng, đơn giản hoá thủ tục, lập quy trình một cửa. Xây dựng và ban hành đầy đủ, kịp thời các quy chế, cơ chế, chính sách đảm bảo phát huy dân chủ, sáng kiến, sáng tạo và làm cho hệ thống cơ quan quản lý hành chính các cấp của Thành phố hoạt động có hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng được yêu cầu xây dựng và phát triển thành phố. Sắp xếp lại đội ngũ cán bộ hiện có phù hợp về trình độ, năng lực, thường xuyên đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn và phẩm chất đạo đức công chức hành chính các cấp từ thành phố đến phường, xã,... 

V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN QUY HOẠCH

Căn cứ vào Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội thành phố Huế được phê duyệt, UBND thành phố Huế cần tổ chức thực hiện và vận dụng đồng bộ các giải pháp về cơ chế, chính sách nhằm phát huy cao nhất tiềm năng và nguồn lực của thành phố, của tỉnh và Trung ương cho đầu tư phát triển.

Trên cơ sở quy hoạch này, UBND thành phố cần nghiên cứu xây dựng các quy hoạch chi tiết, các chương trình phát triển kinh tế-xã hội, các dự án ưu tiên đầu tư và từng bước đưa vào các kế hoạch 5 năm và hàng năm để tổ chức thực hiện. Giám sát, kiểm tra việc thực hiện đầu tư phát triển theo quy hoạch. Tăng cường trách nhiệm các cấp, các ngành và các địa phương trong việc thực hiện quy hoạch. Cuối mỗi kỳ quy hoạch (năm 2010, năm 2015, năm 2020) tổ chức đánh giá tình hình thực hiện quy hoạch của từng thời kỳ, bổ sung và điều chỉnh mục tiêu và giải pháp thực hiện cho phù hợp với tình hình thực tế.

Điều II. UBND thành phố Huế phải có kế hoạch kiểm tra, theo dõi việc thực hiện qui hoạch một cách chặt chẽ, thường xuyên cập nhật thông tin mới nhất để có những điều chỉnh hợp lý, kịp thời phù hợp với định hướng phát triển chung của Tỉnh. Các Sở, Ban ngành cấp tỉnh có trách nhiệm phối hợp, hỗ trợ thành phố Huế trong quá trình thực hiện nhằm đảm bảo sự thống nhất giữa Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội thành phố Huế với quy hoạch phát triển các ngành và Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Điều III. Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký.

Điều IV. Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Chủ tịch UBND thành phố Huế; Giám đốc các Sở, cơ quan thuộc UBND tỉnh và Thủ trưởng các cơ quan liên quan chịu trách nhiệm thi hành quyết định này./.

 

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN

CHỦ TỊCH

 

(Đã ký)

 

Nguyễn Xuân Lý

Quyết định 564/2007/QĐ-UBND
 Bản in]
Các bài khác
    Trang đầu Trang trước 1 2 Trang kế Trang cuối