QUYẾT ĐỊNH
Về việc phê duyệt quy hoạch phát triển giao thông vận tải
tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2020
_______________________
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng Nhân dân và Uỷ ban Nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Xây dựng ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Nghị quyết 39/NQ-TW ngày 16 tháng 8 năm 2004 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ đến năm 2020;
Căn cứ Quyết định số 148/2004/QĐ-TTg ngày 13 tháng 8 năm 2004 của Thủ tướng Chính phủ về phương hướng chủ yếu phát triển kinh tế xã hội vùng kinh tế trọng điểm miền Trung đến năm 2010 và tầm nhìn đến 2020;
Căn cứ Nghị định 92/2006/NĐ-CP ngày 07 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ về việc lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội;
Căn cứ Quyết định số 281/2007/QĐ-BKH ngày 26 tháng 3 năm 2007 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc ban hành định mức chi phí cho lập, thẩm định quy hoạch và điều chỉnh quy hoạch tổng thể kinh tế xã hội, quy hoạch ngành và quy hoạch các sản phẩm chủ yếu;
Căn cứ Quyết định số 2989/2006/QĐ-UBND ngày 29 tháng 12 năm 2006 của UBND tỉnh về việc quy định phân công, phân cấp và ủy quyền giải quyết một số vấn đề trong công tác quy hoạch và đầu tư xây dựng trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tại Tờ trình số 1439/TTr-SKHĐT ngày 31 tháng 12 năm 2007,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt quy hoạch phát triển giao thông vận tải tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2020 với những nội dung chủ yếu sau:
1. Tên đề án: Quy hoạch phát triển giao thông vận tải tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2020.
2. Phạm vi, quy mô và đối tượng quy hoạch:
- Phạm vi, quy mô: Địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế diện tích 5.054 km2.
- Đối tượng quy hoạch: Đường bộ, đường thủy, đường sắt và đường hàng không.
3. Quan điểm, mục tiêu quy hoạch:
3.1. Quan điểm:
- Toàn bộ mạng lưới giao thông vận tải của tỉnh phải được gắn kết thành một hệ thống thống nhất; hình thành mạng lưới liên hoàn kết nối các vùng kinh tế động lực trong tỉnh và vùng kinh tế trọng điểm miền Trung; đảm bảo mối liên hệ với hệ thống giao thông của vùng, cả nước; đáp ứng được yêu cầu phát triển bền vững của tỉnh đến năm 2020.
- Quy hoạch phải bao gồm cả lĩnh vực giao thông và lĩnh vực vận tải, đầy đủ các loại hình đường bộ, đường thủy, đường sắt và đường hàng không trên toàn bộ địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế không phân biệt cấp quản lý.
- Trong quy hoạch này các tuyến giao thông không do tỉnh quản lý thì thay đổi, điều chỉnh theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền cao hơn.
3.2. Mục tiêu:
- Là cơ sở để xây dựng và hoàn chỉnh mạng lưới giao thông vận tải tỉnh đến năm 2020; đảm bảo phát triển hệ thống giao thông vận tải một cách khoa học, ổn định, bền vững, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế xã hội của tỉnh.
- Là cơ sở để xác định nguồn lực, tiến độ, giải pháp thực hiện trong kế hoạch hàng năm của tỉnh.
4. Quy hoạch mạng lưới giao thông đường bộ:
4.1. Mạng lưới giao thông đối ngoại:
4.1.1. Quốc lộ 1A:
- Tuyến Quốc lộ 1A hiện tại cơ bản giữ nguyên 02 làn xe, chỉ thực hiện cải tạo, sửa chữa.
- Đoạn La Sơn - Lăng Cô thực hiện xây mới, nâng cấp, cải tạo theo quy mô đường 04 làn xe và xây dựng 02 hầm đường bộ Phú Gia, Phước Tượng.
4.1.2. Đường cao tốc Bắc Nam: Thực hiện theo quy hoạch mạng lưới đường bộ cao tốc Việt Nam.
4.1.3. Đường Hồ Chí Minh: Thực hiện theo quy hoạch tổng thể đường Hồ Chí Minh đã được Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 242/QĐ-TTg ngày 15/02/2007.
4.1.4. Quốc lộ 49A:
- Giai đoạn 2007 - 2010: Nâng cấp, mở rộng đoạn từ Quốc lộ 1A đến ngã ba Bốt Đỏ dài 78 km thành đường cấp III.
- Giai đoạn 2010 - 2020: Nâng cấp, mở rộng đoạn từ ngã ba xã Hồng Vân đến cửa khẩu quốc tế S3 dài 9km trở thành đường cấp III.
4.1.5. Quốc lộ 49B:
- Giai đoạn 2007 - 2010: Nâng cấp toàn tuyến (89 km) đạt cấp IV, hoàn thành cầu Ca Cút qua phá Tam Giang.
- Giai đoạn 2010 - 2020: Nâng cấp đoạn từ cầu Thuận An đến cầu Tư Hiền trở thành đường cấp III, dọc theo tuyến Quốc lộ 49B xây dựng hoàn chỉnh một tuyến mới đi sát biển phục vụ quốc phòng và kinh tế đạt tiêu chuẩn đường cấp III.
4.1.6. Quốc lộ 14 cũ đoạn từ A Đớt đến cửa khẩu quốc tế S10: Dài 7,5 km đến năm 2020 sẽ được mở rộng, nâng cấp thành cấp III.
4.1.7. Xây dựng mới tuyến đường 71 từ Phong Điền đi A Lưới dài khoảng 90 km đạt cấp III.
4.1.8. Xây dựng mới tuyến đường 74 từ Nam Đông đi A Lưới dài khoảng 70 km đạt cấp III.
4.1.9. Xây dựng mới cầu Vĩnh Tu (3 km) và cầu Hà Trung (750 m) phù hợp quy mô đường cấp III.
4.1.10. Đường La Sơn - Nam Đông (đường 14B) nối đường 74 lên A Lưới và cửa khẩu S10 xây dựng theo tiêu chuẩn đường cao tốc và cấp III, riêng đoạn đầu tại La Sơn và đoạn qua thị trấn Khe Tre xây dựng theo tiêu chuẩn đường đô thị, đầu tư đến năm 2010.
4.1.11. Xây dựng tuyến tránh thị trấn Khe Tre.
4.2. Mạng lưới giao thông đối nội:
4.2.1 Các tuyến đường trong thành phố: Thực hiện theo quy hoạch đô thị và lộ giới các tuyến đường trong thành phố được UBND tỉnh phê duyệt.
4.2.2 Đường vành đai 3: Dài 7 km, mặt cắt ngang 43 m có điểm đầu tại Cống Chém, điểm cuối giao đường Tự Đức - Thủy Dương.
4.2.3. Đường Tự Đức - Thuận An: Hoàn thành trong giai đoạn 2007 - 2010.
4.2.4. Các tuyến đường tỉnh:
- Giai đoạn 2007 - 2010: Hoàn thành nhựa hóa hoặc bê tông hóa toàn bộ hệ thống đường tỉnh, cải tạo, nâng cấp đạt từ cấp V trở lên.
- Giai đoạn 2010 - 2020: Nâng cấp toàn bộ hệ thống đường tỉnh đạt từ cấp IV trở lên, tải trọng công trình trên tuyến tương đương H30 - XB80.
- Nâng cấp một số tuyến đường huyện quan trọng thành đường tỉnh quản lý:
+ Tuyến Phong Hiền - Quảng Thái.
+ Tuyến Km4 đường tỉnh 6 qua Phong Chương, Hòa Xuân đi Điền Lộc.
+ Tuyến tránh lũ từ QL1A (Km802+500) đi Tỉnh lộ 11B (Km10)
+ Tuyến Bến Ván, huyện Phú Lộc
+ Tuyến Thủy Thanh - Thủy Vân, huyện Hương Thủy.
+ Tuyến Lương - Tân - Phù, huyện Hương Thủy.
4.2.5. Nâng cấp đường Lộc Bình, đoạn từ cầu Tư Hiền đến Quốc lộ 1A thành Quốc lộ.
4.2.6. Đối với các tuyến đường thành phố: Theo quy hoạch phát triển đô thị, trong đó ưu tiên chỉnh trang, nâng cấp các tuyến đường nội đô, xây dựng mới các trục đường hướng trung tâm thành phố có quy mô là đường trục chính đô thị với số làn xe từ 4 - 6 làn, kết hợp xây dựng một số tuyến đường vành đai, đường ven đô.
4.2.7. Đối với hệ thống giao thông cấp huyện và xã quản lý: Đến năm 2020 hoàn thành bê tông hóa giao thông nông thôn toàn tỉnh đạt tiêu chuẩn đường giao thông nông thôn tối thiểu loại B, cấp tải trọng cho tuyến và công trình tối thiểu tương đương H8.
4.3. Quy hoạch các công trình vượt sông Hương:
Ngoài các công trình cầu hiện có trên sông Hương như cầu Tuần, Bạch Hổ, Phú Xuân, Trường Tiền, Chợ Dinh, Thảo Long, quy hoạch thêm những vị trí mới như sau:
4.3.1. Công trình vượt sông trên đường vành đai 3: Tim công trình trùng với tim đường Nguyễn Hoàng theo quy hoạch được duyệt, khổ công trình phù hợp với khổ đường Nguyễn Hoàng theo quy hoạch, hoàn thành trước năm 2015.
4.3.2. Cầu đường bộ Bạch Hổ: Cầu được xây dựng bên cạnh cầu Bạch Hổ hiện tại, hoàn thành trước năm 2010.
4.3.3. Cầu qua Cồn Hến: Bắc qua sông Hương tại khu vực Cồn Hến, thời gian hoàn thành trước 2015.
4.3.4. Cầu vượt nhánh Tả Trạch: Xây dựng cầu Dương Hòa tại vị trí cuối đường tỉnh 07 hoặc bến đò Tân Ba.
4.3.5. Cầu vượt nhánh Hữu Trạch tại vị trí gần thôn Liên Bằng, xã Hương Thọ, huyện Hương Trà.
4.3.6. Xây dựng thêm các cầu mới vượt các chi lưu của sông Hương như Đập Đá, Kẻ Vạn, Nguyễn Hoàng, An Hòa, cầu Bạch Yến ở Hương Long, Ba Bến ở Vạn Xuân,..
5. Quy hoạch Cảng Hàng không Quốc tế Phú Bài:
Đến năm 2020 sân bay Phú Bài giữ nguyên vị trí như hiện nay, đầu tư nâng cấp, mở rộng đạt tiêu chuẩn sân bay quốc tế. Đến năm 2020 sân bay Phú Bài có diện tích khoảng 189 ha, một đường băng hạ cất cánh kích thước 3.048m x 45m, 48.000m2 sân đỗ, đảm bảo cho máy bay B777-200 hạ cất cánh được, lượng hành khách thông qua đạt 3,5 triệuHK/năm.
6. Quy hoạch mạng lưới giao thông đường sắt:
- Giai đoạn 2007 - 2010: Giữ nguyên tuyến đường sắt hiện có, nâng cấp Ga Huế và Ga Lăng Cô thành ga trung tâm để phục vụ khách du lịch, dịch chuyển ga Hương Thủy về khu công nghiệp Phú Bài, dịch chuyển ga Phò Trạch về phía Nam để phục vụ khu công nghiệp Phong Điền, dịch chuyển ga Thừa Lưu về phía Nam (gần Khu Kinh tế Chân Mây – Lăng Cô), xây dựng tuyến đường sắt vào Khu Kinh tế Chân Mây – Lăng Cô.
- Giai đoạn 2010 - 2020: Xây dựng thêm tuyến đường sắt vành đai về phía Tây để các đoàn tàu không có tuyến Huế không cần phải đi qua thành phố, tuyến đường sắt này không được đi gần các khu di tích lịch sử, văn hóa và không được phá vỡ cảnh quan đôi bờ sông Hương.
- Tuyến đường sắt cao tốc Bắc - Nam định hướng xây dựng dịch về phía Tây của thành phố Huế tránh xa các di tích lịch sử, văn hóa.
7. Quy hoạch mạng lưới giao thông đường thủy:
7.1. Giao thông đường biển: Hình thành tuyến vận tải cao tốc trên biển theo quy hoạch của Bộ Giao thông vận tải.
7.2. Các tuyến giao thông đường sông và đầm phá: Giữ nguyên như Quy hoạch phát triển đường sông đến năm 2020 đã được UBND tỉnh phê duyệt, đầu tư xây dựng để 02 tuyến sau thành trục giao thông chính:
- Tuyến Phá Tam Giang - Đầm cầu Hai dài 74 km.
- Tuyến sông Hương từ cửa Thuận An đến ngã ba Tuần dài 34 km
- Xây dựng bến thuyền Điền Hải thuộc phá Tam Giang, bến An Lỗ thuộc sông Bồ.
7.3. Hệ thống cảng biển:
7.3.1. Cảng Thuận An:
- Giai đoạn 2007-2010: Tiếp nhận tàu 2.000DWT, năng lực 0,6 triệu tấn/năm.
- Giai đoạn 2020: Tiếp nhận tàu 5.000DWT, năng lực 1,5triệu tấn/năm.
7.3.2. Cảng Tư Hiền: Phát triển thành cảng cá chuyên dụng.
7.3.3. Cảng chuyên dùng: Đến 2020 cảng xăng dầu Thuận An tiếp nhận tàu 2.000 DWT, cảng cá Thuận An vẫn ở vị trí hiện tại chỉ phát triển mở rộng, nâng cấp, tăng thêm dịch vụ để đáp ứng nhu cầu phát triển nghề cá.
7.3.4. Cảng Chân Mây:
- Giai đoạn 2007 - 2010: Nâng số cầu cảng lên 03 bến với tổng chiều dài bến 860 m, đảm bảo đón được tàu 30.000DWT, với lượng hàng thông qua khoảng 1 - 2,3 triệu tấn/năm.
- Giai đoạn 2010 - 2020: Nâng số cầu cảng lên 06 bến với tổng chiều dài bến đạt 1.350 m, đảm bảo đón được tàu 50.000DWT, với lượng hàng thông qua đạt 06 triệu tấn/năm.
8. Quy hoạch bãi xe, bến đỗ:
Theo quy hoạch giao thông tĩnh trên địa bàn thành phố Huế và các vùng phụ cận đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 2306/QĐ-UBND ngày 10/10/2007.
- Giai đoạn 2007 - 2010: Xây dựng mới 02 bến xe khách đầu mối ở phía Bắc tại huyện Hương Trà và phía Nam tại huyện Hương Thủy. Cải tạo bến xe phía Bắc và phía Nam hiện tại chuyển dần thành điểm giao thông tĩnh nội đô phục vụ du lịch, dịch vụ. Xây dựng một bến xe dọc Quốc lộ 49B tại xã Vinh Hưng (hoặc Vinh Hiền).
- Giai đoạn 2010 - 2020: Xây dựng mới 01 bến xe ở khu vực Chân Mây - Lăng Cô và ở trung tâm mỗi huyện lỵ có một bến xe.
- Bố trí các điểm đỗ, nghỉ cho xe đường dài trên tuyến quốc lộ phù hợp quy hoạch ngành giao thông vận tải.
9. Quy hoạch vận tải và công nghiệp giao thông:
Từ nay đến năm 2020 tốc độ tăng trưởng vận tải đạt 16%/năm, đến 2010 đạt 30% hành khách đi lại trong thành phố bằng xe bus và đến năm 2020 lượng hành khách đi lại trong tỉnh bằng các phương tiện vận tải công cộng đạt 50% - 60%, với một hệ thống vận chuyển hành khách công cộng thuận tiện và tiên tiến.
Về công nghiệp giao thông: Đầu tư nhà máy lắp ráp ô tô với công suất lắp ráp 5.000 - 6.000 xe/năm, xây dựng một cơ sở sữa chữa tàu thuyền với công suất sửa chữa hằng năm khoảng 80 - 100 phương tiện.
10. Các giải pháp tổ chức thực hiện:
- Xây dựng cơ chế, chính sách linh hoạt, thích hợp nhằm phát huy cao tính kết hợp giữa các nguồn vốn trung ương, địa phương, vốn nhân dân đóng góp, vốn đầu tư nước ngoài, vốn doanh nghiệp,..
- Mở rộng quan hệ hợp tác với các tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, huy động vốn để phát triển giao thông vận tải kết hợp du lịch, kết hợp cải tạo nâng cấp cầu đường với việc xây dựng các khu công nghiệp.
- Đẩy mạnh các hình thức đầu tư BOT, BTO, BT,.. khuyến khích hình thức đổi đất lấy hạ tầng.
- Đối với giao thông nông thôn: Huy động sức dân, Nhà nước hỗ trợ một phần và có các chính sách khuyến khích, khen thưởng tương xứng.
11. Vốn đầu tư dự kiến:
Tổng số: 60.532 tỷ đồng, trong đó:
- Giai đoạn 2007 - 2010: 19.758 tỷ đồng
- Giai đoạn 2011 - 2020: 40.774 tỷ đồng
12. Thời gian thực hiện: Giai đoạn 2007 - 2020.
13. Tổ chức thực hiện:
- Sở Giao thông vận tải là cơ quan chủ trì phối hợp với các Sở, ban ngành liên quan và UBND các huyện, thành phố Huế giúp UBND tỉnh chỉ đạo, tổ chức thực hiện quy hoạch.
- Các Sở, Ban ngành ở tỉnh: Căn cứ chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn được giao, có trách nhiệm phối hợp với Sở Giao thông vận tải và UBND các huyện, thành phố Huế trong việc chỉ đạo quy hoạch.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.
Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban Nhân dân tỉnh, Giám đốc các Sở: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Giao thông vận tải; Giám đốc Kho bạc Nhà nước tỉnh; Chủ tịch Ủy ban Nhân dân các huyện, thành phố Huế và Thủ trưởng các cơ quan liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.